Dầu tràm Lộc Thủy: Chỉ bán cái danh

10/12/2012 10:02 GMT+7

Làng dầu tràm Lộc Thủy (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã tồn tại hơn 100 năm, ai đến Huế cũng muốn mua dầu về làm quà. Nhưng vì lý do kinh tế, hiện đa số những hộ bán dầu tràm ở đây đều nhập dầu từ nơi khác đưa về.

Ven theo quốc lộ 1A (đoạn qua dốc đèo Phước Tượng), hơn 40 lò dầu tràm nghi ngút khói, bên cạnh là trưng đầy dầu tràm với các bảng hiệu: dầu tràm Lộc Thủy, dầu tràm nguyên chất, dầu tràm loại I... Nhưng, đằng sau những bảng hiệu ấy, là điều không phải ai cũng biết. PV Thanh Niên đã có nhiều ngày liền "mục sở thị" tại đây để tìm hiểu mọi ngóc ngách của làng dầu tràm này...

Lò dầu tràm Thanh Bình  
Lò dầu tràm Thanh Bình là lò dầu tràm có quy mô lớn nhất của làng dầu tràm Lộc Thủy - Ảnh: Tuyết Khoa

Tại làng, lò dầu tràm lớn nhất là lò Thanh Bình- nơi duy nhất của làng nghề có đăng ký nhãn hiệu, có phiếu kiểm nghiệm và được bầu chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2011. Tại lò, bên cạnh những chai dầu mang thương hiệu Thanh Bình thì có một góc trưng bày những chai dầu không rõ nguồn gốc để khách hàng phân biệt thật giả. Nhưng, thật bất ngờ, theo lời ông chủ lò Mai Đình Hưng thì những chai dầu hiệu Thanh Bình cũng không phải của lò mà cũng là dầu nhập, và dán nhãn Thanh Bình. Khi hỏi dầu nguyên chất do lò nấu thì ông Hưng mới vào nhà lấy dầu thật ra. “Khách đi ngang đây chỉ biết ở đây nấu dầu tràm bán thôi còn hiếm người biết dầu tốt dầu xấu. Nhiều người lần đầu mới biết mùi dầu tràm thì làm sao phân biệt được. Mà khách đi đường thì cũng chỉ mua được lần thôi!”, ông Mai Đình Hưng, thú thực.

Sang lò dầu của chị Lê Thị Tam. Hai vợ chồng chị đang chuẩn bị cho ra lò một mẻ dầu mới. Vợ chồng chị Tam khẳng định: “Ở đây không có cơ sở nào bán dầu thật 100%. Đa số họ đều bán cái danh dầu tràm Lộc Thủy mà thôi. Lò tui, ai thích rẻ thì tui bán dầu không rõ nguồn gốc, thích đắt thì bán dầu nguyên chất do tui nấu!”. Những cửa tiệm khác, tuy lò vẫn đỏ nghi ngút, mùi dầu tràm vẫn ngào ngạt nhưng khi hỏi mua, những người này cũng đem ra nhưng chai dầu không rõ nguồn gốc nhập từ nhưng nơi khác về để bán. Khách hàng khó có thể phân biệt tốt xấu khi thấy lò vẫn đỏ lửa và dầu vẫn đang chảy được bên cạnh những chai dầu.

Sản xuất ở Tây Nguyên?

Hầu như các cửa tiệm trên địa bàn xã Thủy Lộc chỉ biết lấy dầu và bán chứ bản thân họ không hề biết dầu này xuất xứ ở đâu. “Tui bán thì bán chơ có biết nó từ mô về đâu!”, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ một lò dầu ở đây cho biết. Qua tìm hiểu, ở đây có hai cửa tiệm Mỹ Hoa và Hòa Sương là hai đại lý của loại dầu này, muốn lấy bao nhiêu cũng có.

Chị Hoa, chủ tiệm dầu Mỹ Hoa, cho biết: “Tôi mua can về rồi ra chai bán cho các cửa tiệm khác. Dầu này được lấy ở chợ Đông Ba, gốc tích thì không biết chỗ nào về. Dầu này thì chỉ bán khách du lịch thôi. Khách Thái Lan mua nhiều lắm!”. Theo chỉ dẫn của chị Hoa, PV gặp được chị Bé Thơ, là một trong những nơi cung cấp dầu tràm lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo chị Thơ, toàn bộ dưới Lộc Thủy và gần 10 cửa tiệm ở chợ Đông Ba đều lấy dầu ở cơ sở của chị. Chị bỏ đầy đủ các loại dầu tràm từ tốt đến xấu, nhưng đa số khách chị đều lấy hàng dỏm để bán. “Cơ sở của tôi cung cấp cả nước chứ không riêng chi ở Huế. Cơ sở tôi có hàng trăm người nấu trong rừng ở trên Tây Nguyên. Một ngày tôi bán hàng ngàn lít dầu dỏm. Người ta mua về, thích thì họ dán hiệu họ vào!” ông chủ cửa hàng Bé Thơ, nói.

Niềm tin của khách hàng vào làng dầu trên trăm tuổi đang bị mất dần vì mua phải hàng dỏm. Theo bà Trần Thị Quyên, 61 tuổi, một người đã nấu dầu hơn 40 năm nay, cho biết: “Dầu tràm nguyên chất không thể rẻ như thế. Một chai 120ml chỉ có giá 10 ngàn-12 ngàn đồng, trong khi giá chiếc chai hết 5 ngàn rưỡi. Thì tui cũng không biết dầu đó là dầu gì?”.

Dầu tràm là loại dầu gió chiết xuất từ tinh dầu của cây tràm có hương thơm và mùi vị dễ chịu, được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn, phòng ngừa cảm mạo, giảm các cơn đau ở khớp tay, chân, trị các vết côn trùng cắn, làm da sưng và ngứa, các vấn đề về da như viêm da, cháy nắng, phát ban... cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh.

Năm 2008, nghiên cứu của OPODIS pharma, thực hiện tại Viện Pasteur TP.HCM, cho thấy dầu thuốc sử dụng α-Terpineol chiết xuất từ  dầu tràm có tác dụng ức chế virus cúm H5N1.

Tuyết Khoa

>> Uống nhầm dầu tràm, một trẻ 3 tuổi nhập viện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.