Kỳ tích đưa kiện hàng 280 tấn vượt núi lên Sơn La

10/12/2012 17:45 GMT+7

Nhiều công nhân trên công trường thủy điện Sơn La vẫn nhớ hình ảnh một ông già đã gần 70 tuổi nhưng vẫn rất hoạt bát, tay cầm bộ đàm chỉ huy như một vị tướng ra trận. Trận đánh của ông là đưa các thiết bị nặng trên 200 tấn qua cây cầu chỉ cho phép xe tổng trọng tải tối đa 30 tấn đi qua.

Vị chỉ huy gần 70 tuổi ấy là ông Nguyễn Đăng Sâm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đa phương thức - Vietranstimex. Nhiệm vụ của công ty này là vận chuyển 18.000 tấn hàng thường và 7.000 tấn hàng siêu trường siêu trọng từ Hải Phòng lên Sơn La. Trong đó có 6 máy biến thế nặng 280 tấn/máy; 6 trục chính nặng 110 tấn/trục; 6 bánh xe công tác nặng 210 tấn/kiện, bề rộng bánh xe tới 8,3 m. Các kiện hàng liền khối siêu trọng này được đặt trên những dàn rơ mooc với 50-60 trục, gần 500 bánh xe để phân đều trọng tải trên các trục, sau đó gắn vào 2 đầu kéo, 1 đầu đẩy công suất lớn để di chuyển.

Hai đầu kéo công suất lớn và 1 đầu đẩy mới đưa được kiện hàng 280 tấn tiến từng mét
Hai đầu kéo công suất lớn và 1 đầu đẩy mới đưa được kiện hàng 280 tấn tiến từng mét

Đoạn đầu, xà lan chở hàng theo đường sông từ Hải Phòng đến Hòa Bình, sau đó, hàng được cẩu xuống, đưa vòng qua thân đập thủy điện Hòa Bình, lên lòng hồ, lại đưa xuống xà lan đến cảng Tà Hộc, thuộc tỉnh Sơn La. Quãng đường từ Tà Hộc về Sơn La mới là cung đường tử thần với những cán bộ Vietrantismex, bởi có tới 17 cầu yếu và nhiều đoạn cua rất gắt, đèo dốc liên tục khiến họ mất tới 30 ngày mới đi được 70 km.

Anh Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Xí nghiệp 9.1 - Công ty Vietrantismex, người trực tiếp chỉ đạo hiện trường nhớ lại: “Có những đoạn đường rộng chỉ gần 5 m, trong khi bánh xe công tác nặng 210 tấn lại rộng tới 8,3 m. Nếu chỉ dùng đoàn mooc đơn rộng 3 m sẽ rất dễ bị lật, vì hàng luôn đi chênh vênh một bên là núi, một bên là vực. Chúng tôi phải dùng thiết bị đặc biệt, ghép một nửa rơ mooc với một rơ mooc đơn lại thành 1,5 mooc , có 3 cụm trục 12 bánh xe nên vừa chống lật an toàn, vừa không sợ bị sụt lề đường”.

Vượt “cửa ải” cầu Mường La

Để kéo những kiện hàng ấy, anh Bình phải dùng tới 3 đầu kéo, loại 600 mã lực (gấp đôi đầu kéo thông thường), trong đó bố trí 2 đầu kéo và 1 đầu đẩy. Nhưng cái khó nhất vẫn là đoạn đường vượt các cầu yếu.

Ông Ngô Tứ, Phó tổng giám đốc Vietrantismex phân tích: “Cầu Mường La dài hơn 700 m, khoảng cách mỗi nhịp dài nhất gần 100 m, chỉ cho xe có tổng trọng tải 30 tấn đi qua. Trong khi đó, trọng tải xe, mooc, kiện hàng lên tới 600 tấn. Chúng tôi phải tính toán nối hàng loạt trục để kiện hàng 280 tấn dàn đều xuống các trục, sao cho các thanh dầm của cầu đều được phân tải và không bị võng, gãy cầu”.

Nếu cầu gãy, máy biến áp rơi xuống sông thì nhà máy sẽ phải chờ thêm tối thiểu là 1 năm nữa đặt hàng nhà sản xuất, thiệt hại sẽ lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Một ngày đầu năm 2011, đích thân tổng chỉ huy Nguyễn Đăng Sâm ngồi trên xe kéo đưa máy biến áp 280 tấn qua cầu Mường La. Giám đốc Nhà máy thủy điện Sơn La ông Hoàng Trọng Nam (lúc đó là Phó BQL dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La) cùng ngồi lên xe qua cầu để động viên tinh thần anh em tài xế. Họ đang đánh cược mạng sống của mình với những kiện hàng, nếu cầu gãy, hàng rơi thì cả ông Sâm, ông Nam và hàng chục công nhân khác sẽ theo xe rơi xuống lòng sông từ khoảng cách gần trăm mét.

“Tôi phải bố trí 2 đầu kéo phía trước cách xa rơ mooc gần 100 m, kéo đoàn xe bằng dây cáp, nhằm giảm tổng trọng tải đoàn rơ mooc chở hàng lên từng nhịp cầu. Công nhân đứng kín hai bờ sông, chúng tôi cho xe kéo mooc tiến vài chục centimet một. Cuối cùng, xe kéo kiện hàng qua an toàn, dầm cầu võng chưa tới 5 cm” - ông Sâm nói.

Cuối năm 2011, những kiện hàng cuối cùng của thủy điện Sơn La đã được đưa đến công trình an toàn, đúng tiến độ. Khi nhà máy sắp khánh thành, anh hùng lao động - Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Sâm cười rạng rỡ: “Tôi trân trọng cảm ơn Tập đoàn điện lực, các cơ quan ban ngành đã tin tưởng chúng tôi, và chúng tôi đã không phụ lòng mọi người. Tôi chỉ muốn chứng minh người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, đủ sức làm những việc tưởng như không thể. Vấn đề là có niềm tin và tính toán khoa học”.

Những hình ảnh về cung đường vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng lên thủy điện Sơn La:

Bánh xe công tác nặng 210 tấn, rộng tới 8,3 m đượt đặt lên mooc đặc chủng kéo lên công trường
Bánh xe công tác nặng 210 tấn, rộng tới 8,3 m đượt đặt lên mooc đặc chủng kéo lên công trường

Đầu kéo công suất lớn kéo kiện hàng máy biến áp 280 tấn từ xà lan lên cảng
Đầu kéo công suất lớn kéo kiện hàng máy biến áp 280 tấn từ xà lan lên cảng

Qua cầu yếu, kiện hàng siêu trọng phải đặt trên mooc cực dài để phân tải đều lên các bánh xe
Qua cầu yếu, kiện hàng siêu trọng phải đặt trên mooc cực dài để phân tải đều lên các bánh xe

Vượt thử thách khó khăn nhất là qua cầu Mường La
Vượt thử thách khó khăn nhất là qua cầu Mường La

Những cầu nhỏ, ngắn trên đường đã được gia cố trước khi đưa hàng qua
Những cầu nhỏ, ngắn trên đường đã được gia cố trước khi đưa hàng qua

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.