Cải lương vào phòng trà

11/12/2012 10:12 GMT+7

Cách làm này giúp cải lương có thêm đất diễn, tuy nhiên không thể xem là giải pháp lâu bền bởi cải lương cần có nhà hát chính quy.

Các phòng trà tại TPHCM đang dần đổi mới phương thức kinh doanh bằng cách đưa cải lương xen kẽ vào các loại hình kịch, ca nhạc để phục vụ nhu cầu đa dạng của khán giả. Hiện tại, ngoài các phòng trà We, Tiếng Xưa, Nam Quang... thực hiện,  mô hình này còn nhân rộng ở nhiều nơi khác...

Hai bên đều có lợi

Rạp Hưng Đạo từ khi được tháo dỡ đến nay vẫn “án binh bất động”, dự án xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo vẫn chưa được khởi công. Mọi hoạt động của cải lương được đưa vào rạp Thủ Đô (quận 5 - TPHCM), nơi trước đó các bầu sô đại nhạc hội tổ chức chụp giựt, khán giả bất bình khiến việc biểu diễn bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng mất sàn diễn của cải lương, một số nhà tổ chức đã tìm cách đưa loại hình nghệ thuật này vào phòng trà. Một giải pháp cứu nguy khi cải lương không còn sàn diễn và giúp phòng trà “đổi món” cho khán giả. Cả hai bên đều có lợi. 

 Cải lương vào phòng trà
NSƯT Kim Tử Long giao lưu với khán giả trong chương trình cải lương phòng trà

Phòng trà Tiếng Xưa là nơi tiên phong, tổ chức chương trình “Hội ngộ nghệ sĩ Tài Linh”, “Hội ngộ đồng ấu Bạch Long”, “Những giọng ca vang bóng một thời”… Sau đó, phòng trà We tổ chức live show mini NSND Ngọc Giàu (do đạo diễn Hồng Dung dàn dựng).

 

“Nếu từng cặp đôi có chung một đêm diễn, kiểu thầy và trò trên một sân khấu như: Đêm của Diệu Hiền - Vũ Linh, Thanh Tòng - Quế Trân… sẽ là những chủ đề khán giả thích thú” - một khán giả góp ý như vậy.

Phòng trà Nam Quang cũng mạnh dạn tổ chức live show NSƯT Phương Hồng Thủy và đêm diễn kỷ niệm sinh nhật một năm của cải lương phòng trà quy tụ 20 nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ. Hiện nay, 2 phòng trà Giồng Đất (quận Thủ Đức) và Dạ Vỹ (quận 7 - TPHCM) cũng đang theo mô hình này.

Ông bầu Duy Ngọc, người hợp tác với phòng trà Tiếng Xưa để đưa cải lương vào trình diễn ở đây, tâm sự: Các phòng trà tổ chức đại nhạc hội, có đủ loại hình nên việc đưa nghệ sĩ cải lương vào biểu diễn theo chủ đề, có lượng khán giả ruột, sẽ an toàn về mặt doanh thu, mở hướng mới giúp nghệ sĩ có nơi biểu diễn, gặp gỡ khán giả”.

Giá vé kèm theo nước uống của những đêm diễn cải lương ở phòng trà từ 300.000 đến 400.000 đồng hoặc thấp hơn theo từng chủ đề với 250.000 đồng/người. Doanh thu này tương đối đủ để phòng trà cân đối chi phí cho một đêm diễn bởi cát sê nghệ sĩ cũng chỉ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người.

Bình mới rượu cũ

Dẫu vậy, theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ, giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời. Nếu không sáng tạo, quanh đi quẩn lại những ca khúc, trích đoạn cũ của những danh ca vang bóng một thời, cải lương phòng trà cũng dần theo lối mòn, mất khán giả.

 

Phải có mô hình riêng

Đạo diễn Hồng Dung, người dàn dựng chương trình chuyên đề NSND Ngọc Giàu, tâm sự: “Khi phòng trà We mời chúng tôi tham gia, tôi đã nghĩ đến không gian phòng trà thích hợp với kiểu tổ chức cải lương thính phòng. Nghĩa là nghệ sĩ phải là một danh ca và chính họ chứ không ai khác sẽ vừa diễn vừa giới thiệu về bài bản, về câu chuyện của tiết mục, về sự trải nghiệm của chính họ với sàn diễn. Điều này làm khán giả phòng trà thích thú hơn là đưa không khí đại nhạc hội vào phòng trà”.

Chương trình đầu tiên ông bầu Duy Ngọc mang đến Tiếng Xưa tối 16-11 chỉ là những tiết mục cũ: NSƯT Minh Vương (bài ca cổ Tặng đời chiếc nón bài thơ); NS Châu Thanh - Phượng Hằng (trích đoạn Vụ án Mã Ngưu); NSƯT Kim Tiểu Long (trích đoạn Trà Hoa Nữ), “quái kiệt” Hề Sa (bài ca cổ hài Đua xe gắn máy)…

Hoặc đêm diễn kỷ niệm sinh nhật một năm của cải lương phòng trà tại Nam Quang vẫn với: Đời cô Lựu (NSND Bạch Tuyết), Phụng Nghi Đình (nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương)…

Rất hiếm có những tiết mục được đầu tư tập dượt như đêm chuyên đề của NSƯT Phương Hồng Thủy, khán giả yêu thích cải lương hài lòng. “Nghe mời vào hát phòng trà, nghệ sĩ cứ nghĩ là hát theo kiểu salon nên khó mà yêu cầu tập tuồng. Trên thực tế, nếu diễn một thời gian sẽ không còn tiết mục vì hầu hết đều cũ” - ông bầu Duy Ngọc cho biết.

Ngoài ra, cải lương phòng trà còn gặp một số khó khăn về âm thanh, không gian biểu diễn. Khán giả phàn nàn rằng ở phòng trà “tiếng được, tiếng mất”. NSND Ngọc Giàu cho biết: “Tham gia một hai lần để biết thế nào là hát ở phòng trà, chứ trên thực tế, không gian đó không hợp cho cải lương.

m thanh, ánh sáng không tốt, khán giả vừa xem vừa nghe điện thoại, trò chuyện, uống nước, thiếu đồng cảm với nghệ sĩ, dàn nhạc. Tuy nhiên hiện nay, các phòng trà đều tuân thủ việc không hát nhép là điều đáng mừng”.

“Đưa cải lương từ rạp vào phòng trà là giải pháp tốt trong tình hình khó khăn hiện nay nhưng theo tôi, không thể xem đây là giải pháp lâu bền. Nguyện vọng của nghệ sĩ là muốn duy trì, phát triển nghệ thuật cải lương cần có nhà hát chính quy” - NSƯT Út Bạch Lan chia sẻ.

Theo Bài và ảnh: Thanh Hiệp / Người Lao Động

>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương loay hoay làm mới
>> Khai mạc liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012
>> NSND Bạch Tuyết làm giám khảo hội diễn cải lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.