Các chuyên gia cho rằng những người này mắc phải chứng bệnh sợ xã hội, có thể điều trị dứt điểm nếu như đúng cách.
Nhiều người mắc bệnh
Một cô gái trẻ tâm sự trên một diễn đàn dành cho phụ nữ rằng cô luôn có một nỗi sợ không thể chế ngự được mỗi khi phải nói trước đám đông. Nỗi sợ ấy được biểu hiện ra ngoài như mặt đỏ, toát mồ hôi, tim đập nhanh và đặc biệt có lúc không còn nhớ được mình định làm gì, nói gì...
Điều kỳ lạ là những triệu chứng đó chỉ xuất hiện trong những tình huống trước đám đông, còn bình thường cô được đánh giá là bạo dạn và rất hoạt ngôn.
Theo TS.BS Bùi Quang Huy - trưởng khoa tâm thần Bệnh viện 103 (Hà Nội) - cô gái đó có thể đã mắc chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội. Cụ thể là sợ một số tình huống xã hội nhất định như sợ trình bày, sợ phát biểu trước đám đông...
Ở những người sợ toàn bộ tình huống xã hội thì có phần khác hơn, họ sợ tất cả những hoạt động công cộng, sợ những cuộc phỏng vấn, sợ cả việc đi xe buýt, vào nhà vệ sinh chung...
Điểm nổi bật ở những người mắc chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội là họ thường chú ý quá mức về bản thân, đánh giá xấu về hình thức của mình nên rất sợ người khác cười nhạo, tẩy chay, chế giễu.
Cũng theo bác sĩ Huy, chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội rất phổ biến, chiếm tới 3-5% dân số. Tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ ngang nhau nhưng nữ thường tìm đến các cơ sở, chuyên khoa về tâm thần để điều trị nhiều hơn nam. Bệnh thường khởi phát trong khoảng thời gian 12-13 tuổi, có thể kéo dài trong vòng 25 năm nếu như không có phương pháp điều trị.
Di truyền
Bác sĩ Huy cũng cho biết gen di truyền đóng vai trò hàng đầu gây ra chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội. Những người có bố, mẹ hoặc anh, chị, em có chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội thường có nguy cơ bị ám ảnh sợ xã hội hoặc rối loạn nhân cách cao gấp 10 lần người bình thường.
Nhiều người cho rằng những người bị chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội là do tính cách nhút nhát, rụt rè nhưng thật ra là họ bị thiếu chất serotonin ở não, thực tế này ghi nhận ở tất cả các bệnh nhân.
Bác sĩ Lý Trần Tình, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội không loại trừ một đối tượng nào. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ghi nhận có cả những trường hợp thuộc nhóm thường xuyên phải đối diện với đám đông như nhà giáo, nhà báo, người làm lãnh đạo... cũng mắc chứng bệnh này.
Trước khi tìm đến bệnh viện để thăm khám, họ đã sử dụng nhiều cách để chế ngự nỗi sợ nhưng không thành công, có những người trong số đó thường xuyên sử dụng rượu như một cách để lấy lại sự bình tĩnh.
Điều trị theo lộ trình lâu dài
Bác sĩ Huy cho rằng chất serotonin có ở rất nhiều loại thức ăn nhưng cơ thể không hấp thu chất này qua đường tiêu hóa.
Do vậy, những bệnh nhân mắc ám ảnh sợ xã hội thường được chỉ định dùng những loại thuốc trầm cảm để bổ sung chất này. Một số thuốc như sertralin, paroxetin, venis... được ưa chuộng và chỉ có kết quả sau một thời gian điều trị từ 4-12 tuần.
Muốn hoàn toàn dứt điểm chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội thì phải điều trị liều củng cố khoảng 36-60 tháng. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Bentodiazpin có tác dụng tức thời, sử dụng trước khi gặp các tình huống gây sợ hãi khoảng 30 phút.
Bác sĩ Huy đưa ra khuyến cáo dù chưa tìm thấy tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tim, gan, thận, chức năng tình dục, sinh sản... nhưng bệnh nhân không nên sử dụng các thuốc chữa chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội một cách tùy tiện, phải có chỉ định của bác sĩ để tránh những hậu quả xấu lên cơ thể.
Theo bác sĩ Huy, điều trị bằng thuốc không phải là phương pháp tốt nhất để chấm dứt chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội. Liệu pháp tốt nhất là kết hợp việc tập luyện và dùng thuốc.
Những bài tập đó có thể là tập nói một mình trước gương, tập nói trước số ít sau đó tăng dần lượng khán giả; lập kế hoạch chi tiết những việc cần làm, cần nói trước khi đối diện với đông người; đặc biệt phải tự nhủ với bản thân không nên sợ, không nên hồi hộp... Bác sĩ Huy nhấn mạnh: “Phải đối mặt với các tình huống sợ, chỉ có đối mặt mới có cơ hội vượt qua được nỗi sợ đó”.
Bác sĩ Lý Trần Tình cũng cho rằng điều trị chứng bệnh ám ảnh sợ xã hội phải tuân theo một lộ trình tương đối dài, trong tình huống khẩn cấp thì có thể chế ngự nỗi sợ bằng biện pháp như hít thật sâu và thở ra thật chậm rãi. Nếu như áp dụng những biện pháp tập luyện như tập nói trước gương, tập sử dụng phương tiện công cộng... mà không thành công, bệnh nhân nên tìm đến các chuyên khoa tâm thần để được thăm khám và điều trị. Bác sĩ Lý Trần Tình còn đưa ra lời khuyên không nên sử dụng rượu, chất ma túy, thuốc bình thần... để lấy lại sự tự tin.
Theo Quỳnh Liên / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)