Văn miếu Vinh còn được gọi là Văn thánh Vinh, được xây dựng năm 1803 tại Yên Dũng, tổng Yên Trường (nay là P.Hồng Sơn, TP.Vinh) trên diện tích 22.000 m2; là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và những người đỗ đạt trong các kỳ khoa cử.
Ông Phan Văn Hùng, Phó ban Quản lý di tích - danh thắng Nghệ An, cho biết: Văn miếu Vinh gồm thượng điện, hạ điện, hai bên có nhà tả vu, hữu vu, xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, khuê văn các, vườn cây cảnh và rừng cây bao quanh. Khoảng trước năm 1945, tượng đồng thờ trong Văn miếu bị lấy cắp, nhà cũng bị dỡ bỏ. Rất may quả chuông đồng, bức đại tự “Văn tại tư” và bức hoành khắc 4 chữ “Vạn thánh linh từ” đặt trên cửa chính Văn miếu và một số đồ tế được người dân lưu giữ tại đền Hồng Sơn gần đó. Không gian của Văn miếu sau đó cũng bị phá bởi qui hoạch đô thị. 22.000 m2 của Văn miếu xưa nay chỉ còn 7.000 m2, thuộc quyền sử dụng của Công ty in Nghệ An từ năm 1960.
Dấu tích của Văn miếu Vinh nay là dãy nhà cấp bốn hoang phế nằm phía sau nhà in này. Đây vốn là tòa nhà đại bái gồm 5 gian, 9 cột gỗ... được làm kho chứa hàng. Bên ngoài còn sót lại những viên ngói mũi hài và những tảng đá ong lẫn trong cỏ dại. Ghi nhớ di tích này, Công ty cổ phần in Nghệ An đã lập một bàn thờ để hương khói.
Để cứu di tích vốn là nơi tôn vinh sự học này, năm 1999, Sở VH-TT Nghệ An đã đề nghị UBND tỉnh cho phục dựng lại Văn miếu Vinh. Sau đó, hồ sơ phục dựng được lập nhưng không đủ tiền để thực hiện.
Năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở VH-TT cùng Sở Xây dựng tham mưu việc phục dựng Văn miếu. Phương án được vẽ ra trên diện tích 3,5 ha nhưng bất khả thi vì để có từng đó không gian cần di dời cả Bệnh viện TP.Vinh và 14 hộ dân lân cận.
“Bộ VH-TT khi đó đã hứa sẽ cấp kinh phí, nhưng phế tích này không được công nhận di tích nên không được cấp tiền tôn tạo”, ông Hùng nói.
Năm 2007, Sở VH-TT-DL Nghệ An lại giao cho Ban quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học để tìm địa điểm và phương án tôn tạo, phục hồi Văn miếu. Theo ý kiến của hầu hết các nhà nghiên cứu, nên phục dựng Văn miếu tại chính chỗ cũ. Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sau đó đã đồng ý phương án này và giao cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc tôn tạo.
Ngày 10.5.2012, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phục hồi tôn tạo di tích Văn miếu Vinh trên diện tích 9.000 m2. Sở VH-TT-DL được giao làm chủ đầu tư với mục tiêu Văn miếu trở thành điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa, tham quan.
Ông Hùng cho biết, quy hoạch chi tiết nhà bái đường, hậu cung, nhà tả vu, nhà hữu vu, am thờ, giếng thiên tĩnh, lầu chuông, sân lễ hội, bãi đỗ xe... đã có. Tuy nhiên, do kinh phí di dời Công ty cổ phần in Nghệ An và 14 hộ dân lân cận là quá lớn nên việc triển khai dự án rất khó khăn.
Được biết, năm 2010, dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng đã gần 300 tỉ đồng. Vì thế, dự án phục dựng một biểu tượng của đất học Nghệ An này chưa biết bao giờ sẽ thực hiện được.
Khánh Hoan
>> Nhiều phát hiện tại di tích Cấm Mít
>> Di tích Trường Lũy bị “chia đôi”
>> Đồng Tháp chuẩn bị công bố di tích quốc gia đặc biệt
>> Bảo tồn di tích Ly cung Trần - Hồ
>> Nhiều di tích trở thành phế tích
Bình luận (0)