Hôm qua 13.12, ông có mặt tại Hà Nội để tham dự chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” do Quỹ hòa bình quốc tế, Bộ GD-ĐT tổ chức. Trong chuyến thăm lần thứ tư tại Đông Nam Á, ông đã dành cho Thanh Niên một cuộc phỏng vấn về việc làm thế nào để phát triển nền khoa học của VN.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của gia đình và hệ thống giáo dục đối với việc tạo ra những tài năng khoa học? Thành công của ông có sự ảnh hưởng như thế nào từ gia đình?
Tôi là một người đặc biệt may mắn khi cha mẹ tôi rất ủng hộ. Bố tôi rất khuyến khích tính tò mò của tôi khi tôi còn là một cậu bé, tôi có thể thoải mái tháo tung các loại đồ chơi để khám phá các loại động cơ hay cấu tạo bên trong. Từ khi còn bé, tôi từng làm những thí nghiệm khoa học từ lúc tôi 6 - 8 tuổi, bố tôi đã khuyến khích tôi rất nhiều mà đôi khi những thí nghiệm là khá nguy hiểm. Vai trò của cha mẹ là rất quan trọng trong việc giúp con cái hình thành và nuôi dưỡng những niềm đam mê trong suốt cuộc đời mình. Thế nhưng thực tế là chúng ta cũng không thể mong đợi rằng tất cả các ông bố bà mẹ đều là những bậc phụ huynh biết khuyến khích, ủng hộ con cái mình. Điều đó cũng hơi đáng buồn.
Vì vậy, vai trò của giáo viên và nhà trường trở nên quan trọng hơn. Làm thế nào để có được nhiều giáo viên có khả năng truyền cảm hứng và khuyến khích học sinh đến với khoa học là một điều rất quan trọng. Tất nhiên để phát triển khoa học cũng cần có sự đầu tư lớn cho những phòng thí nghiệm, thiết bị đắt tiền. Có thể hiện tại chưa có nhiều nguồn lực của quốc gia được đầu tư cho việc khuyến khích các nhà khoa học trẻ. Thế nhưng một khía cạnh khác của vấn đề là nếu không có sự đầu tư cho khoa học thì các bạn sẽ không bao giờ trở thành một đất nước phát triển được.
Ở VN có một câu hỏi thường được đặt ra là “Bao giờ sẽ có một nhà khoa VN đoạt giải Nobel?”, thậm chí đã có đề án chiến lược để VN có giải Nobel. Ông có bình luận gì về điều đó?
(Cười) Có lẽ các bạn chưa cần lo lắng lắm về giải Nobel. Một quốc gia lớn như Trung Quốc cũng đang mòn mỏi mong chờ giải Nobel của họ đấy. Tôi thực sự không biết mục tiêu mà một quốc gia nào đó đặt ra cho việc cần thiết phải đoạt giải Nobel là gì. Mục tiêu theo tôi nên là tạo ra và đào tạo một lực lượng lao động có khả năng tìm ra những cách thức mới để giải quyết các vấn đề mà quốc gia đó gặp phải.
Nếu ông được mời tư vấn cho việc phát triển khoa học VN, ông sẽ đưa ra những ý kiến gì?
Tôi nghĩ cách nhanh nhất và tốt nhất để giúp VN phát triển khoa học đó là các bạn cần đưa càng nhiều càng tốt các nhà khoa học trẻ, tài năng tới học tập và nghiên cứu ở những nơi có trình độ khoa học cao như châu Âu, Mỹ. Khi đó, các nhà khoa học trẻ VN có thể học hỏi từ môi trường quốc tế. Đồng thời, những nhà khoa học quốc tế cũng có thể hiểu thêm về đất nước, con người VN. Sự trao đổi khoa học không chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu mà còn ở khía cạnh văn hóa.
Việc nghiên cứu khoa học là rất tốn kém và cần có sự đầu tư từ phía nhà nước. Đầu tiên là một trung tâm thí nghiệm với những công cụ hiện đại để phục vụ cho các nhà nghiên cứu. Việc có một phòng thí nghiệm hiện đại không phải là yếu tố tiên quyết nhưng sẽ là rất tốt nếu có thể đầu tư được như vậy.
VN cũng nên thúc đẩy cơ hội cho việc đối thoại, trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong nước và giới nghiên cứu quốc tế. Việc trao đổi có thể giúp các bạn cập nhật thông tin, đồng thời cũng tránh nghiên cứu lại từ đầu những vấn đề đã được giải quyết. Làm thế nào nhà nước có những chính sách có thể khuyến khích các học sinh, sinh viên theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình. Đích đến của niềm đam mê ấy không là việc kiếm tiền mà là những khám phá, phát minh trong khoa học.
GS Douglas D.Osheroff thuộc Khoa Vật lý Trường đại học Stanford, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1996 cho phát hiện của ông về tính siêu lỏng của helium 3. Bên cạnh giải Nobel, ông còn được trao nhiều giải thưởng quan trọng khác như giải Sir Francis Simon, giải Oliver E.Buckley, MacArthur Prize Fellowship... Ngoài ra, GS Osheroff còn được bổ nhiệm làm việc trong ban điều tra vụ nổ tàu con thoi Columbia năm 2003. GS Osheroff sẽ có buổi giảng về chủ đề “Khoa học thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?” vào ngày hôm nay 14.12 tại ĐH Quốc gia Hà Nội. GS Osheroff là nhà khoa học đoạt Nobel thứ ba trong khuôn khổ chương trình “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á. Đỗ Trường Sơn |
Nguyên Phong
(thực hiện)
Bình luận (0)