Mỗi buổi sáng, sau khi từ biệt vợ con, các phi công chuyên trách UAV thuộc không quân Mỹ lại đến căn cứ quân sự ở Creech, ngay giữa sa mạc Nevada hoặc trụ sở của CIA tại bang Virginia để… tham chiến, theo báo Le Figaro. Từ những phòng điều khiển được bảo vệ nghiêm mật này, mỗi phi công ngồi trước bảng điều khiển điện tử với một cộng sự và bắt đầu cùng máy bay của mình thăm dò các khu vực núi đồi hiểm trở của Afghanistan hay Pakistan để cung cấp thông tin cho lục quân.
Chiều tối, tan sở, họ lại trở về nhà và sum vầy cùng vợ con như bao ông bố bình thường khác. Tuy được an toàn tuyệt đối do không bị bom đạn đe dọa nhưng những phi công đặc biệt này phải vượt qua nhiều khó khăn về mặt tinh thần như: cùng lúc phải sống ở cả thời chiến lẫn thời bình; trách nhiệm khi chỉ một cú “nhấn nút” có thể gây ra bao thương vong, đổ nát… Đôi khi không thể tự mình vượt qua, một số phi công UAV phải cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.
200.000 thông tin/giây
Trên thực tế, công việc của một phi công UAV là gì? Nhờ khoa học công nghệ phát triển liên tục, các máy bay không người lái ngày càng hiện đại và vai trò của phi công cùng kỹ thuật viên hơn bao giờ hết càng đóng vai trò chủ chốt, dù họ không ngồi trong buồng lái. Ngày 1.12, Tập đoàn Dassault Aviation (Pháp) vừa cho bay thử nghiệm thành công máy bay không người lái chiến đấu Neuron do 6 nước châu u hợp tác sản xuất. Le Figaro dẫn lời Giám đốc chuyên trách thử nghiệm bay của tập đoàn này Patrick Castagnos nhận định: “Neuron gồm 2 phần: một cỗ máy hiện đại biết bay và một trung tâm điều khiển ở mặt đất”.
Trong buổi thử nghiệm, phi công lão luyện Olivier Ferrer ngồi trong phòng điều khiển nằm gần đường băng của sân bay quân sự Istres, miền nam nước Pháp. Xung quanh ông là một phi công phụ tá cùng nhiều kỹ thuật viên. Mọi sự đều phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt về điều kiện thời tiết, để tránh mọi nguy cơ rủi ro vì Neuron là sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất của 9 năm trời hợp tác nghiên cứu, chế tạo của 6 nước châu u. Ngồi trước màn hình máy tính, Ferrer nhấn nút, “ra lệnh” và kiểm soát từng giai đoạn của chuyến bay thử nghiệm: rời khỏi bãi đậu, chạy trên đường băng, tăng tốc, cất cánh… Trong 25 phút bay, Neuron đã thực hiện thành công những kỹ thuật phức tạp như áp sát, đổi hướng đột ngột… Theo ông Castagnos, phi công được tham gia vào việc lập trình kế hoạch tác chiến cũng như có toàn quyền điều khiển UAV.
Về mặt kỹ thuật, các UAV như Neuron có thể bay tự động, thậm chí tự xử lý được một số tình huống nguy cấp trong lúc tham chiến bằng cách tăng tốc độ bay. Nhưng ngay cả khi những máy bay này đang ở chế độ tự động, phi công ở mặt đất vẫn có thể can thiệp bất cứ lúc nào để thay đổi chương trình đã cài sẵn hoặc chuyển sang chế độ “người lái”. Trong chuyến bay thử nghiệm của Neuron, phòng điều khiển tiếp nhận khoảng 200.000 thông tin/giây. Ở mỗi màn hình kiểm soát xung quanh bảng điều khiển chính có một kỹ sư chuyên trách xử lý một phần thông tin để kiểm tra máy bay có thực hiện đúng chương trình đã lập trước đó hay không. Phi công và nhóm kỹ sư giữ liên lạc thường trực với Neuron nhờ những liên kết dữ liệu có tính bảo mật cao nên có thể điều chỉnh ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Iran tuyên bố chế tạo được máy bay không người lái của Mỹ
>> Iran sẽ giúp các nước “trị” máy bay không người lái
>> Iran thu giữ máy bay không người lái Mỹ
>> Máy bay không người lái của châu u bay thử nghiệm
>> Việt Nam - Thụy Điển hợp tác chế tạo máy bay không người lái
Bình luận (0)