Dẫu biết rằng nhu cầu đi lại ngày tết đông hơn rất nhiều so với bình thường, tàu lửa lại là phương tiện rất an toàn nên dẫn đến vé tàu khan hiếm cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là cần có một phương thức tổ chức bán vé thực sự hiệu quả, công bằng và thuận lợi tối đa cho người dân. Khi đó, dù không mua được vé, nhiều người sẽ vẫn vui vẻ. Tuy vậy, thực tế thì suốt khoảng 20 năm qua, việc bán vé tàu tết chẳng năm nào thực sự suôn sẻ, thuận lợi cho người có nhu cầu. Suốt từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, KSG năm nào cũng đưa ra những phương thức cải cách cam đoan giải quyết hiệu quả các khó khăn. Công nghệ phát triển, KSG cũng áp dụng những công nghệ mới từ nhắn tin đặt chỗ đến đặt chỗ qua mạng. Tuy nhiên, tất cả thì “mèo vẫn hoàn mèo”. Thậm chí, khách hàng còn mệt mỏi hơn vì nhiều người cuối cùng vẫn phải ra ga xếp hàng sau nhiều cố gắng bất thành với các “công nghệ tiên tiến” do công ty này đưa ra.
Thực tế, chẳng khó khăn để giải quyết những bất cập của quy trình bán vé tàu hiện tại, bạn đọc Báo Thanh Niên cũng đưa ra nhiều giải pháp khả thi. Lẽ ra, qua kinh nghiệm năm trước và dự báo số người có nhu cầu mua vé tàu tết, công ty từ sớm nên thiết kế dung lượng truy cập phù hợp trong những ngày này. Như thế, chẳng có lý do gì để xảy ra nghẽn mạng trầm trọng như ngày đầu đăng ký vừa qua. Ngoài ra, nhà ga còn có thể chia nhỏ các giai đoạn bán vé tương thích với từng nhóm ga đến. Chẳng hạn như từ ngày nào đến ngày nào thì bán vé đến các ga từ Bình Định đến Huế, sau đó là Quảng Trị đến Nghệ An… Khoảng thời gian phân chia dựa trên số vé và dự báo nhu cầu người đi. Kèm theo đó, công ty nên đưa ra phần cập nhật thông tin số lượng vé chưa bán hết đến từng ga, để khách hàng không mất công đặt chỗ nếu ga họ cần đến chẳng còn vé.
Ngoài ra, một bất cập không thể bỏ qua là trong lúc mua vé trực tiếp rất khó khăn thì nạn phe vé “chợ đen” vẫn tồn tại năm này qua năm khác. Trong khi ngành đường sắt có thể áp dụng triệt để hơn việc in tên và số chứng minh nhân dân trên vé như ngành hàng không để giải quyết tình trạng này. Hành khách nào mua vé mà không sử dụng thì trả vé theo quy định. Tất nhiên, muốn trả vé phải đúng tên và số chứng minh nhân dân. Tiếp đến, chiếc vé này được bán theo đúng trình tự thông thường chứ không cho “trả phí đổi tên” như cách làm của các năm trước. Như thế, chẳng ai dại gì mua vé “chợ đen” và quy trình bán vé hoàn toàn công bằng. Nếu không, nỗi khổ của 20 năm qua chẳng biết sẽ kéo dài đến bao giờ.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)