Theo các nhà nghiên cứu, đây là trường lũy dài nhất Đông Nam Á, không những có nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quản lý nội địa, mà còn tạo điều kiện cho giao thương, mua bán giữa đồng bào miền ngược và miền xuôi, giữa miền núi và miền biển.
Cùng các nhà khoa học nước ngoài tham quan phần Trường Lũy tại Quảng Ngãi vào cuối tháng 3.2011, ông Sean Doyle, Trưởng phái đoàn EU tại VN, đã khẳng định: “Đây là một di sản quý báu không chỉ của VN mà là của cả nhân loại”. Trước đó, ngày 26.1.2011, Đài CNN đã phát phóng sự đặc biệt về Trường Lũy và gọi đây là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của nước ta trong thế kỷ qua.
Nhận thấy giá trị to lớn của di tích Trường Lũy, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương tiến hành ngay các bước để Bộ VH-TT-DL công nhận Trường Lũy là di tích quốc gia, thậm chí còn chuẩn bị kiến nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhằm sớm phát huy giá trị di sản này. Trong khi đó, ngành chức năng của Bình Định vẫn còn đang loay hoay khảo sát, khai quật.
Bởi vậy, một công trình độc đáo của cha ông để lại bỗng dưng bị ngắt làm đôi, phần ở Quảng Ngãi được công nhận là di tích quốc gia từ năm 2011, còn phần thuộc Bình Định vẫn đang “đề nghị công nhận”.
Việc “chia đôi” Trường Lũy không những thể hiện kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự thống nhất, phối hợp giữa ngành chức năng 2 tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi, mà còn cho thấy thái độ ứng xử với di sản rất kỳ quặc. Lẽ nào khi ký quyết định công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi là di tích quốc gia, người ta đã quên mất di sản này vẫn còn một phần nữa ở Bình Định?
Thúc Giáp
Bình luận (0)