Phi thuyền NASA chuẩn bị "tự sát"

14/12/2012 15:53 GMT+7

(TNO) Sau gần một năm quay quanh mặt trăng, cặp phi thuyền song sinh của NASA sẽ kết thúc sứ mệnh của mình bằng cách đâm xuống bề mặt chị Hằng.

(TNO) Sau gần một năm quay quanh mặt trăng, cặp phi thuyền song sinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ kết thúc sứ mệnh của mình bằng cách đâm xuống bề mặt chị Hằng.

Sứ mệnh GRAIL của NASA sẽ chấm dứt vào đầu tuần sau, khi hai phi thuyền có tên Ebb và Flow lao vào rặng núi gần cực bắc của mặt trăng, theo AFP dẫn lời các chuyên gia NASA

Cú va chạm kết liễu của hai phi thuyền trên sẽ không quá “hoành tráng”, do kích thước của chúng chỉ cỡ bằng cái máy giặt.

Bộ đôi đã hoàn tất sứ mệnh một cách xuất sắc khi đo và tập hợp dữ liệu để vẽ nên bản đồ trọng lực của mặt trăng.

Phi thuyền NASA chuẩn bị “tự sát”
NASA chuẩn bị kết thúc sứ mệnh GRAIL - Ảnh: NASA

Kỹ thuật đột phá này đã giúp giới chuyên gia phát hiện được vỏ mặt trăng mỏng hơn và chứa nhiều đứt gãy sâu hơn so với dự kiến. Đồng thời, họ cũng tìm được chứng cứ đầu tiên cho thấy mặt trăng đã nở rộng sau khi hình thành.

Thông tin trên không chỉ giới hạn ở trường hợp của mặt trăng, mà còn áp dụng cho những thiên thể rắn khác ở phần trong của hệ mặt trời, bao gồm cả Trái đất và sao Hỏa.

Ebb và Flow đã hoàn tất sứ mệnh chính của chúng hồi tháng 5.2012, khi bay cách bề mặt chị Hằng khoảng 55 km. Sau đó, bộ đôi này hạ xuống độ cao 22,5 km cho các hoạt động đo đạc chi tiết hơn.

Và hiện ở độ cao 11 km, các phi thuyền GRAIL đã hầu như sắp hết nhiên liệu, nhưng vẫn nỗ lực thực hiện công tác đo bản đồ cuối cùng trước khi lao vào núi.

Địa điểm va chạm đã được chọn trước để tránh khả năng Ebb và Flow đâm vào những khu vực chứa dấu ấn của các sứ mệnh Apollo trước đây.

Phi thuyền sẽ lao xuống mặt trăng với tốc độ khoảng 6.000 km/giờ, và Ebb đi trước, 20 giây sau đó sẽ đến lượt Flow.

Hạo Nhiên

>> NASA, Vatican đều bác bỏ tin đồn tận thế
>> Đề nghị NASA chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ vũ trụ
>> NASA sắp công bố khám phá chấn động về sao Hỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.