Thế nhưng, các nhà cung cấp dịch vụ có vẻ đã “quên” mất điều này.
Không thể xác nhận rồi lại từ chối
Như Thanh Niên số ra ngày 14.12 đã thông tin, một khách hàng của Công ty Nhóm Mua là anh Trần Đức Quang (Bà Rịa-Vũng Tàu) trước khi mua phiếu dịch vụ (voucher) đặt phòng tại khách sạn La Sapinette (Đà Lạt) thông qua trang web www.nhommua.com đã gọi điện thoại và được khách sạn La Sapinette xác nhận.
|
Trong Giấy chứng nhận đặt phòng tại khách sạn La Sapinette mà anh Quang nhận được từ Nhóm Mua có ghi rõ "Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị sử dụng như voucher và được nhà cung cấp ủy quyền cho Công ty TNHH Nhóm Mua phát hành theo Hợp đồng số 2447/2012". Dù vậy, khách sạn này sau đó vẫn từ chối việc anh Quang thanh toán bằng voucher. Anh Quang đặt câu hỏi: Trách nhiệm của khách sạn này trong hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Nhóm Mua ở đâu? Nếu khách sạn không đồng ý thì Nhóm Mua đã không bán voucher? Vậy không chỉ Nhóm Mua mà bản thân khách sạn cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường khi khách hàng bị thiệt.
Theo Hợp đồng hợp tác giữa Nhóm Mua và các đối tác, phương thức thanh toán và trách nhiệm của hai bên đã được quy định rõ ràng và chi tiết. Chẳng hạn Nhóm Mua sẽ thanh toán 50% doanh thu cho đối tác khi thỏa thuận kết thúc trong 7 ngày làm việc. Phần còn lại sẽ lần lượt được thanh toán vào mỗi cuối tháng cho đến khi voucher hết hạn. Trách nhiệm của đối tác là phải cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng mua voucher, đảm bảo chất lượng và đúng tiêu chuẩn, không phân biệt đối xử...
Ông Tom Trần - đại diện Công ty Nhóm Mua - khẳng định, các đối tác của Nhóm Mua tự ý ngưng nhận voucher đã phát ra cho khách hàng khi chưa hết thời gian thanh toán theo quy định sẽ phải chịu phạt theo hợp đồng đã ký với Nhóm Mua. Trách nhiệm của Nhóm Mua sẽ thanh toán lại tiền cho người mua vì không sử dụng được voucher.
Cần giữ chữ tín
Thực tế dịch vụ mua theo nhóm là khá mới và hành lang pháp lý của VN chưa có quy định ràng buộc cụ thể. Tuy nhiên, có thể xem những công ty bán hàng theo nhóm như một trung gian, hay có chức năng tương tự như một đại lý ủy quyền bán sản phẩm/dịch vụ của đơn vị khác trong một thời gian nhất định. Theo ông Huỳnh Quốc Hữu - Giám đốc Công ty nha khoa Thiên Bảo (Q.3, TP.HCM), từng hợp tác với Nhóm Mua - cho rằng những đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng thông qua những công ty bán hàng theo nhóm cần phải giữ đúng cam kết, đảm bảo uy tín của mình đối với khách hàng. Ông Hữu cho biết: “Khi chúng tôi lựa chọn và đồng ý hợp tác với các công ty bán hàng theo nhóm có nghĩa mình đã chấp nhận có những quyền lợi và rủi ro đi kèm. Chẳng hạn khi chấp nhận cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhưng đến hết thời gian thực hiện hợp đồng mà phía đối tác không thanh toán đầy đủ thì đó là tranh chấp giữa chúng tôi và công ty bán hàng theo nhóm, không liên quan đến khách hàng. Vì vậy, nếu các thỏa thuận và voucher vẫn còn trong thời gian hiệu lực thì nên chấp nhận và cung cấp đầy đủ dịch vụ/sản phẩm cho khách hàng như đã thông báo”.
Theo ông Nguyễn Thế Đông - Giám đốc sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) 123mua.vn thuộc Công ty cổ phần VNG - luật pháp hiện chưa cập nhật những hoạt động mới trong lĩnh vực TMĐT như mua hàng theo nhóm. Tuy nhiên cũng tương tự như giao dịch TMĐT thông qua các sàn giao dịch, công ty lập sàn là đơn vị trung gian thanh toán và xác nhận đảm bảo cho những nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm (chủ shop). Khi đó chủ shop cũng là người phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo giao hàng đúng hẹn, đúng chất lượng sản phẩm đã quảng cáo. Chủ sàn giao dịch TMĐT phải xây dựng các quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người mua hàng.
Phải có sự điều chỉnh
Luật sư - tiến sĩ Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN - cho rằng quan hệ hợp đồng giữa các bên trong giao dịch giữa các đơn vị bán hàng theo nhóm là quan hệ độc lập, không liên kết giữa ba bên. Khách hàng mua voucher của Nhóm Mua bị thiệt hại thì chỉ có thể kiện công ty này để đòi quyền lợi. Còn nếu nhà cung cấp dịch vụ không đáp ứng yêu cầu thì Nhóm Mua sẽ kiện nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cần xem xét điều chỉnh luật vì các hoạt động giao dịch này ngày càng phổ biến, nếu không khách hàng sẽ là người chịu thiệt khi có sự cố xảy ra. Ở các hoạt động bán hàng khác, đại lý được ủy quyền của nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ nhưng nếu gây thiệt hại quyền lợi của khách hàng thì nhà cung cấp vẫn phải chịu trách nhiệm. Do đó, những đơn vị bán hàng theo nhóm thực chất có thể xem là hoạt động thực hiện ủy quyền như các đại lý. Đây chính là khía cạnh cần xem xét điều chỉnh của luật.
Theo chuyên gia TMĐT, TS Hồ Thúy Ngọc, khách hàng không chỉ có thể kiện Nhóm Mua trong trường hợp bị từ chối cung cấp dịch vụ mà còn kiện được cả nhà cung cấp dịch vụ. Một trong những chứng cứ để kiện nhà cung cấp dịch vụ là những thông tin quảng cáo của đơn vị này về chương trình hợp tác với Nhóm Mua để bán sản phẩm.
Mai Phương - N.Trần Tâm
Bình luận (0)