|
Đi đầu là H.Phước Long với gần 100 ô đê bao, mỗi ô đê bao có diện tích 40 - 100 ha. Để thực hiện chương trình này, huyện đã đầu tư 145 máy bơm và thành lập các tổ bơm tát chống ngập úng cục bộ, lấy nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ô đê bao chỉ hoạt động hiệu quả vào vụ lúa hè thu và đông xuân, còn vụ thu đông thì nông dân không làm được vì vùng đất này quá thấp, trũng. Mặt khác, các ô đê bao chủ yếu sử dụng máy bơm nên công suất còn hạn chế. Để phát huy hiệu quả cao hơn, huyện đã đầu tư các trạm bơm điện ở các ô đê bao. Ông Trần Văn n, Phó chủ tịch UBND H.Phước Long, cho biết huyện đã đầu tư 18 trạm bơm điện tại các ô đê bao. Đến nay, đã lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm bơm ở 4 ô đê bao có diện tích lớn, gồm các xã: Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú, Vĩnh Phú Tây và đang tiếp tục lắp đặt trạm bơm điện ở các ô đê bao còn lại. Ở các ô đê bao được đầu tư trạm bơm điện, nông dân hoàn toàn chủ động được nguồn nước, không sợ ngập úng mỗi khi mưa lớn kéo dài.
Đặc biệt, ô đê bao giúp nông dân giảm được rất nhiều chi phí sản xuất; đồng thời góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tình trạng sản xuất theo tập quán manh mún, nhỏ lẻ, khó phòng ngừa, kiếm soát dịch bệnh sâu, rầy gây hại lúa. Đánh giá về lợi ích ô đê bao, ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Qua các đợt triều cường dâng cao, các ô đê bao thủy lợi khép kín nằm ven sông vẫn không hề bị nước tràn vào. Bên cạnh đó, nông dân ở các ô đê bao chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu úng, xổ phèn rất hiệu quả. Vì vậy, các địa phương cần vận động nhân dân xây dựng ô đê bao”.
Hiện nay, Bạc Liêu có gần 200 ô đê bao thủy lợi khép kín, chi phí đầu tư bình quân mỗi ô từ 1,5 - 2 tỉ đồng. Từ việc quan tâm xây dựng ô đê bao, Bạc Liêu đã tạo tiền đề tốt về hạ tầng thủy lợi để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong thời gian tới.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)