“Thương hiệu” của thị trưởng

15/12/2012 10:23 GMT+7

Nếu thống đốc Jakarta Joko Widodo được giới truyền thông Indonesia mô tả là "người của dân nghèo", thì thị trưởng thành phố Newark, bang New Jersey (Mỹ) Cory Booker lại được tôn vinh là một "siêu nhân" khi thường xuyên xả thân cứu giúp những công dân nghèo...

Nếu thống đốc Jakarta Joko Widodo được giới truyền thông Indonesia mô tả là "người của dân nghèo", thì thị trưởng thành phố Newark, bang New Jersey (Mỹ) Cory Booker lại được tôn vinh là một "siêu nhân" khi thường xuyên xả thân cứu giúp những công dân nghèo...

Có một thị trưởng đang đóng vai một "siêu nhân" như trong những bộ phim của Hollywood. Kỳ tích nổi tiếng nhất của ông xảy ra vào một buổi tối mùa xuân năm 2012. Trên đường trở về nhà, ông phát hiện có một đám cháy từ căn nhà hai tầng gần nhà mình. Không chờ lính cứu hỏa đến, khi nghe tiếng kêu cứu của một phụ nữ, ông quyết định xông vào nhà dù những cận vệ của ông cố ngăn cản.

 Hình ảnh siêu nhân Cory Booker
Hình ảnh siêu nhân Cory Booker - Ảnh: Townsquare Media New Jersey

Ông tìm thấy một phụ nữ trẻ trong tình trạng bất động vì quá sợ hãi. Với vẻ ngoài cao to như một vận động viên, ông bế bổng người phụ nữ và vác lên vai, băng qua đám lửa đang bốc cháy để thoát chạy ra ngoài. Sau đó, ông phải nhập viện vì ngộ độc khói và bỏng. "Trong giây phút ấy, tôi quyết định hành động giống như cách mà những người hàng xóm khác sẽ làm khi phát hiện đám cháy" - ông cho biết.

Câu chuyện của vị thị trưởng thành phố Newark đã trở thành một truyền thuyết. Sinh năm 1969 ở Washington, tốt nghiệp Ðại học Stanford về xã hội học và Ðại học Oxford về lịch sử, đồng thời là tiến sĩ luật của Ðại học luật Yale, Cory Booker được bổ nhiệm một vị trí trong Hội đồng thành phố Newark vào năm 1998. Sau đó ông trở thành thị trưởng thành phố này vào năm 2006 và đã đưa ra nhiều đề xuất để cải thiện chất lượng thành phố Newark. Ông từng từ chối cơ hội tranh cử vào Thượng viện Mỹ.

Thị trưởng Booker được người dân kính nể vì không ít lần xả thân cứu người. Hai tuần sau khi nhậm chức thị trưởng, ông Booker lúc ấy chỉ mới 37 tuổi, đã chứng kiến cuộc chạm trán giữa một cảnh sát và một gã tội phạm đang trấn áp con tin trong một nhà băng bằng một cây kéo sắc. Với sự nhanh trí và khôn khéo, ông ném áo khoác về phía tên tội phạm khiến hắn bị phân tâm và cảnh sát đã nhanh tay tóm cổ hắn. Khi đó ông hét to: "Sẽ không bao giờ còn tình trạng giết người tại thành phố của chúng ta. Những ngày như thế đã chấm dứt". Ông cũng từng bị một tên bán ma túy có biệt danh T-bone dọa lấy mạng, nhưng sau đó chính hắn lại chủ động đến tìm ông và khóc lóc van xin ông giúp đỡ để trở về cuộc sống lương thiện.

Lúc này, thị trưởng Cory Booker đóng vai trò "siêu nhân" trên trang mạng xã hội Twitter. Tài khoản Twitter của ông được 1,2 triệu người đăng ký theo dõi. Qua kênh này, họ cũng trao đổi thông tin với thị trưởng về thành phố Newark và những nơi khác trên khắp nước Mỹ. Sau trận siêu bão tuyết vào năm 2010, ông đã giúp đỡ công dân của mình không chỉ bằng cách cho mượn máy xúc tuyết mà còn triển khai nhiều hoạt động cứu trợ khắp nơi trong thành phố.

Và mới đây, trên Twitter, ông còn thu hút sự quan tâm bằng cách đưa ra một lời cá cược kỳ lạ với một cư dân ở Bắc Carolina vốn cho rằng những kẻ chuyên sống nhờ vào những tem phiếu thực phẩm cứu trợ chỉ là "những ký sinh trùng". Cả hai cùng thỏa thuận sẽ sống giống như những người nghèo trong một tuần, từ ngày 4 đến 11-12, chỉ với 4 USD mỗi ngày.

 Ông Widodo (thứ hai từ phải sang) tiếp xúc cử tri khi còn tranh cử chức thống đốc Jakarta
Ông Widodo (thứ hai từ phải sang) tiếp xúc cử tri khi còn tranh cử chức thống đốc Jakarta
- Ảnh: Jakarta Globe

Cũng có nhiều ý kiến chỉ trích ông Cory Booker là một kẻ cơ hội chính trị khi cho rằng thị trưởng Newark đang lạm dụng vai trò "siêu nhân" của mình để tơ tưởng đến cái ghế thống đốc bang New Jersey vào năm 2013 hoặc cái chức thượng nghị sĩ vào năm 2014. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng ông Booker đang làm những gì ông nói, từng hứa trước người dân của mình. Ông đã chẳng mở cửa nhà mình cho hàng chục người gặp nạn trong cơn bão Sandy vừa qua đó sao?

Sự cảm thông với những cảnh đời nghèo, khó khăn dường như xuất phát từ chính cuộc đời tân thống đốc Jakarta Joko Widodo. Cha ông là một thợ mộc nghèo, cả gia đình sống trong khu ổ chuột bên bờ sông Solo (thành phố Solo, bang Trung Java). Tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp tại Ðại học Gajah Mada năm 1985, Widodo đến tỉnh Aceh và làm cho một công ty nhà nước. Sau đó ông trở về quê nhà lập một công ty chế biến gỗ tư nhân. "Năm 1998, tôi đầu tư dự án riêng về kinh doanh đồ nội thất xuất khẩu. Sau nhiều lần thất bại, công ty của tôi đã có thể tạo nguồn thu cho gia đình và bản thân" - ông cho biết.

Từ một nhà doanh nghiệp, ông Widodo bước vào chính trường năm 2005 khi đắc cử chức thị trưởng thành phố Solo. Lúc ấy, không ít người hoài nghi làm sao một người chỉ biết kiếm tiền lại có thể điều hành cả một thành phố. Nhưng rồi những người đã phê phán ngày càng ngạc nhiên.

Ông đã biến Solo thành một thành phố lịch sử, quê hương của hoàng thân Surakarta dựa trên những giá trị vốn có bằng nhiều chương trình bảo tồn các khu di tích cũ và giới thiệu nhiều hoạt động văn hóa mới để thu hút khách du lịch từ khắp thế giới. Lý giải về chiến dịch PR cho thành phố Solo, ông Widodo không giấu giếm sự ghen tị trong mỗi chuyến làm ăn ở các thành phố châu u khi còn kinh doanh.

Theo ông, dù đặt chân đến nơi nào thì mỗi thành phố ấy đều có thương hiệu và đặc trưng riêng. Ông cũng trùng tu lại các công viên trong thành phố và thường xuyên có các hoạt động để người dân đủ mọi tầng lớp đến sinh hoạt. Thay vì xua đuổi hoặc cấm hẳn việc buôn bán hàng rong ở các khu công cộng trong thành phố, ông cho lập một số khu vực để chuyển những người kinh doanh nhỏ này về đó buôn bán. Ông trao cho họ quyền tự kiểm soát các địa điểm này.

Ông không nhận bất cứ đồng lương nào trong suốt thời gian làm thị trưởng Solo.

Tháng 9-2012, ông Widodo đã thắng cử và trở thành thống đốc Jakarta. Với những thành công của ông ở Solo, người dân Jakarta đang xem ông là biểu tượng của sự thay đổi khi họ đã quá mệt mỏi với nạn giao thông thường xuyên bị ách tắc, tham nhũng tràn lan cùng những lời hứa suông của các nhà chính trị. Ông Widodo đã dành trọn ngày làm việc đầu tiên của mình trên cương vị thống đốc Jakarta để đi thị sát các khu ổ chuột trong thủ đô và các khu định cư ven sông, từ đó vạch ra chiến lược cụ thể hơn cho chương trình xây dựng nhà ở giá thấp cho người nghèo, giải quyết tình trạng ngập lụt của Jakarta bằng việc xây dựng các công trình quanh bờ sông.

Khác với chính quyền tiền nhiệm, ông Widodo không điều chuyển dân nghèo đi xa khỏi các khu bờ sông hoặc ra ngoại ô Jakarta. Thay vào đó, ông kêu gọi họ chuyển đến sống tại những khu chung cư giá thấp ven sông. Quyết định này được người dân ủng hộ bởi không ai muốn chuyển khỏi nơi từng sinh sống nhiều năm trời.

Ðối với nạn kẹt xe kinh hoàng, chính quyền mới của ông đưa ra bốn giải pháp: thu phí đường bộ điện tử (ERP), áp dụng nghiêm các quy định về giao thông, quy hoạch không gian và hạn chế phương tiện cá nhân. Tân thống đốc Widodo đang tự tin các biện pháp này sẽ giảm tình trạng ách tắc của Jakarta đến 40% vào trước năm 2014.

Theo Hà An - Tấn Khoa / Tuổi Trẻ /  Jakarta Post, La Presse

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.