NSND Lê Khanh - Chưa gian khó nào áp đặt được

17/12/2012 05:00 GMT+7

Nora của Nhà búp bê đóng sập cửa trước người chồng ngỡ ngàng. Sự dũng cảm của người đàn bà bao năm hy sinh làm gã chồng ích kỷ ngạc nhiên bao nhiêu thì sự nổi loạn của Lê Khanh trong vai diễn cũng khiến khán giả ngạc nhiên bấy nhiêu. Một Lê Khanh chuyên trị vai nữ tính, dịu dàng bỗng dữ dội - kim chỉ nam hoàn hảo của diễn viên hiện đại.

Nhưng với NSND Lê Khanh, vai diễn Nora tuyệt vời ấy vẫn chưa đủ. Bởi cho đến giờ, chị vẫn thấy bất ổn với mái tóc của nhân vật ấy, rằng nó hình như chưa đúng với khung, với ngoại hình của cô. Mái tóc ấy phải không được thuần quá để hợp với những gì luôn giằng xé, mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật. Nhưng nếu kiểu cách quá, nó sẽ không giống với bản năng nhẫn nhịn cho tới phút cuối của nàng. “Riêng với vai này, tôi đã thất bại khi không tìm được kiểu tóc đúng”, Lê Khanh nói. Một cách làm nghề thật nghiệt ngã.

Nói không với những vai diễn một màu

Cũng với cách nghiệt ngã như thế, tận hiến như vậy, Lê Khanh luôn tự mình lo xiêm áo cho mỗi vai diễn của bản thân để tránh “tai nạn phục trang”. Ngày làm Ngụ ngôn Êdốp, Lê Khanh đã phát hoảng vì bộ quần áo của nhân vật chính do chị thủ vai may bằng vải phi cứ bóng lộn lên như một tấm rèm cửa. Từ chối chiếc váy “phi nhân vật” đó, Lê Khanh đã tự kiếm cho mình một chiếc váy bằng vải mềm, rủ giống trong phim có cùng thời kỳ lịch sử của nhân vật.

Không chỉ xiêm áo, mọi bước đi, góc cạnh trong nghề luôn được Lê Khanh lựa chọn dứt khoát kể từ ngày mới lập nghiệp. Ngày mới bén duyên sân khấu, chị còn là một “ngôi sao đang lên” trong điện ảnh với vai diễn trong phim Từ một cánh rừng. Mới 16 tuổi, Lê Khanh đẹp trong sáng và mê hồn như một bông hồng đang hé. Giám đốc nhà hát bấy giờ yêu cầu đã dấn thân vào sân khấu phải một lòng một dạ, trong 10 năm đầu không nhận thêm vai diễn bên ngoài vì theo bà chỉ có thế mới hình thành được nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Chị gật đầu mà không một lần thất hứa, cho dù những lời mời điện ảnh cứ bay tới liên tục. “Tôi bỏ ngay điện ảnh và thanh thản chấp hành dù bỏ rất nhiều phim hay”, Lê Khanh nhớ lại.

Nhưng 10 năm đó cũng là 10 năm khởi đầu rạng rỡ với Lê Khanh. Sau 6 tháng học nghề, chị có vai nữ chính đầu tiên. Đặc cách tốt nghiệp sớm trước 1 năm. Vai chính này nối vai chính khác, chị chẳng còn thời gian mà quay ngang quay ngửa nữa. Không chút thời gian trống để tiếc nuối, chơi vơi - chị nổi lên trên một dàn diễn viên luôn là tâm điểm của khán giả. Sức trẻ của nhà hát khiến nó cứ thế gây bão sân khấu, chấn động người xem. Cũng chính từ những ngày trẻ ấy, Lê Khanh đã biết nói không với những vai diễn một màu.

 

Nhân vật được đối diện với bản ngã con người chứ không né tránh, bước qua nó một cách ảo tưởng

Tố chất của diễn viên hiện đại

“Tôi được chọn vào vai Janda từ trước khi đạo diễn người Pháp sang. Đây là một nữ anh hùng mới 17 tuổi, bị tòa án giáo hội kết tội và thiêu năm 19 tuổi. Sau đó nhiều năm bà được phong thánh” - chị tâm sự về vai diễn để đời trong nghề. Định thế và tập trước vở, song vị đạo diễn đã gạt chị khỏi vai vì ngoại hình không hợp. Nhưng Lê Khanh không bỏ cuộc mà vẫn cần mẫn tập diễn cho tới khi được chọn lại vào vai diễn có biên độ tính cách rộng ấy. Một cách “cãi lời” và lựa chọn í nhị. Janda của Lê Khanh không bẩm sinh dũng cảm, trái lại cô biết sợ chết run lên dù chỉ những tiếng động nhỏ.

Nhưng với sự nhút nhát ấy, khi nữ nhân vật xả thân vì nhiệm vụ được giao người ta hiểu rõ hơn chiến thắng nỗi sợ hãi là ra sao, lòng dũng cảm thật sự là thế nào. Chỉ một giây thôi là anh hùng, lỡ một giây khác thành hèn nhát - Chính trải nghiệm này đã giúp Janda trở thành một nhà “tâm lý chiến” giỏi.

Có nguyên cớ giải thích lý do Lê Khanh đến với kịch. Dường như đã có một định mệnh kịch theo chị từ những ngày nhỏ cùng bố mẹ đi lưu diễn khắp nơi. Buổi tối đoàn diễn, ban ngày trẻ con cũng tụ tập lại chơi trò đóng kịch, thuộc làu làu lời nhân vật. Thế giới tưởng tượng của chị không có gì khác ngoài hóa thân thành vai diễn. Những ngày nép cánh gà xem bố Trần Tiến đóng Lửa hậu phương, chị khóc như đắm vào thế giới của nhân vật. “Tôi hiểu sớm thế nào là sự hóa thân. Chúng tôi cũng không hẳn là khán giả mà ở giữa diễn viên với họ, luôn đồng hành với chuyến xe nghệ sĩ, từ sân khấu gỗ tới sân khấu đất”, nghệ sĩ nói.

Sự hóa thân của Lê Khanh đa dạng tới mức, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, sân khấu Việt có hai người có tố chất của diễn viên hiện đại thì một là Lê Khanh, hai là Thành Lộc.  “Chuyện có nhiều bản ngã tiềm ẩn trong một con người cũng bình thường thôi. Nhưng trong nghề nghiệp này tính cách ấy ít bộc lộ vì người ta thường tìm đến hệ số an toàn. Ai đào lệch thì cứ lệch, đào thương thì cứ thương mãi cho đến khi chính diễn viên không muốn quay lại nữa”, Lê Khanh nói.

Lỗi một màu ấy, theo Lê Khanh, phần do đạo diễn, phần do chính nghệ sĩ. Còn chị, chị không muốn như vậy. “Tôi luôn cho mình quyền lựa chọn những gì phù hợp”, Lê Khanh nói.

Sự phù hợp với chị, dù nghiệt ngã, là luôn đi theo vai diễn nào đó chưa từng qua. Vai diễn ấy phải lý giải được sự trỗi dậy của một con người dù bình thường. Với Lê Khanh, nhân vật được đối diện với bản ngã con người chứ không né tránh, bước qua nó một cách ảo tưởng. Để rồi sau đó, chính chị cũng ngỡ ngàng mà hạnh phúc khi phát hiện ra bao nhiêu tiềm ẩn trong mình. Quan điểm nghề ấy của Lê Khanh, cho tới giờ, chưa gian khó nào có thể áp đặt được.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.