“Báo chí, thông tin của dư luận là một kênh rất quan trọng. Khi đã có thông tin như vậy, cần phải đi kiểm tra để khắc phục ngay. Phải khắc phục hiện tượng tiêu cực, tham nhũng đó trong bộ máy”, Phó thủ tướng đề nghị. Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 7.12 của HĐND TP.Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP 2013, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - cho biết để “chạy” công chức thủ đô phải mất khoảng 100 triệu đồng.
Cũng tại buổi lễ công bố kể trên, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa cho biết chỉ số CCHC áp dụng vào năm 2013 tới đây sẽ có một mục lấy ý kiến người dân và cán bộ, công chức về tuyển dụng công chức. Theo đó, người dân sẽ được lấy ý kiến về việc thực hiện quy định tuyển dụng công chức có đúng quy định hay không.
Lý do phải có chỉ số CCHC, theo Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh, giai đoạn 2001 - 2010 thực hiện chương trình tổng thể CCHC, Chính phủ chưa có một công cụ để đánh giá một cách khoa học, khách quan, định lượng kết quả đạt được trong công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương.
Để khắc phục, trong chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng PAR Index để áp dụng trong theo dõi, đánh giá kết quả CCHC hằng năm tại các bộ, ngành, địa phương. PAR Index vừa qua đã được áp dụng thí điểm tại 3 bộ (Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) và 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ tại lễ công bố thì các kết quả đã phản ánh tương đối chính xác, khách quan những kết quả đạt được trong CCHC năm 2011 của các bộ, tỉnh, thành phố tham gia thí điểm.
Cũng tại lễ công bố, ông Đinh Duy Hòa cho biết thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ xây dựng bộ chỉ số đo sự hài lòng của người dân về chất lượng hành chính, dự kiến trung bình năm rưỡi thực hiện điều tra một lần. Căn cứ vào chỉ số này Chính phủ sẽ điều chỉnh chất lượng phục vụ của nền hành chính đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và DN.
Bảo Cầm
Bình luận (0)