Bị tấn công
T. (đề nghị không nêu tên) là một nữ hướng dẫn viên (HDV) tiếng Anh trẻ, đầy nhiệt huyết với nghề, đang làm việc cho một công ty du lịch chuyên về khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) có văn phòng ở TP.HCM. T. kể nghề này luôn đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm.
|
Nhưng đáng lo nhất là gần đây, một mối nguy mới phát sinh là HDV thường xuyên bị những người bán hàng rong đe dọa hành hung, chửi bới, lăng mạ trước đám đông một khi có ý định ngăn cản du khách mua đồ của họ. Mới đây, T. đưa khách đến ăn tối ở một nhà hàng trên đường Đông Du (Q.1). Đoàn khách khá đông, đi xe 45 chỗ, sau khi ăn đã trở lên xe gần hết, chỉ còn một khách chưa lên xe do đang trả giá mua đồ của một cô gái bán hàng rong.
Do khách trên xe đợi đã lâu nên T. xuống giục vị khách kia tranh thủ lên xe. “Tôi nói, nếu cô muốn mua thêm đồ, thì có thể đi về bằng taxi. Nghe thế, vị khách không mua đồ nữa mà lên xe. Sau khi đưa đoàn khách này về khách sạn, tôi tiếp tục đưa một đoàn khác đi ăn tối trên tàu ở bến Bạch Đằng. Lúc xong việc, khoảng 10 giờ đêm tôi đi về qua chợ Bến Thành, đoạn công viên 23.9, bất ngờ có một thanh niên chạy xe máy chở cô bán hàng ở đường Đông Du xuất hiện, áp sát rồi đưa chân định đạp tôi. May mà tôi né kịp, vội tấp vào lề kêu cứu.
Thấy có đông người, bọn chúng trước khi bỏ đi còn chửi bới, hăm dọa đủ điều, đòi móc cả mắt tôi nữa”, T. kể lại trong sợ hãi. Hôm sau, T. nghe nhiều người bày cách đến gặp một vợ chồng người bán hàng lưu niệm có máu mặt trên vỉa hè Đông Du nhờ dàn xếp. Chuyện này sau đó mới thôi.
Bó tay
Nhiều HDV phản ánh khách của họ thường xuyên bị những người bán hàng rong quanh Hội trường Thống Nhất bán dừa với giá cắt cổ. Có khách bị chém tới 100.000 đồng/trái. Người khác bị mời lừa gánh thử gánh hàng, xong bị buộc phải mua dừa với giá gấp 3, 4 lần bình thường.
Những người đánh giày thì lại lừa khách cách khác. Khi khách hỏi giá đánh giày là bao nhiêu thì họ đưa 5 ngón tay, khách cứ tưởng 50.000 đồng, hóa ra 50 USD. Nếu khách đôi co, họ la lối ăn vạ, kêu đồng bọn tới đe dọa.
Lực lượng bán hàng rong ở các điểm tham quan trong TP.HCM hoạt động rất “chuyên nghiệp”. Thông thường họ “xé lẻ” ra để đeo bám khách, khi cần thì hùa vào. Mỗi khu vực đều có người quản lý nhóm bán hàng. Một khi gặp phải sự cản trở của HDV, cả nhóm lập tức phản ứng.
Theo anh Dũng, một HDV kỳ cựu, nạn hàng rong chèo kéo rồi đe dọa HDV và cả du khách đã trở thành căn bệnh kinh niên. Chính quyền tổ chức lực lượng bảo vệ du khách (áo xanh) nhưng do không được huấn luyện nghiệp vụ nên hoạt động không hiệu quả. Hiện nay, lực lượng này giống như những người dẫn khách qua đường hơn là bảo vệ du khách.
“Trước đây, tôi bị một người bán sách dạo bên trong khuôn viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chửi bới và đe dọa hành hung do tôi cảnh báo du khách không nên mua sách kém chất lượng. Giờ thì tôi đành chọn cách căn dặn thật kỹ du khách khi còn ở trên xe. Có khi, thời gian căn dặn khách chiếm hết thời gian thuyết minh về điểm đến nhưng biết làm sao bây giờ”, anh Dũng chua chát.
Một số địa phương trong nước đã quyết liệt dẹp nạn “cò”, hàng rong chèo kéo du khách và đã bước đầu thành công như Đà Nẵng, Hội An… Tại khu vực đền đài ở Siem Reap ở Campuchia, những người bán hàng rong bị buộc đứng trật tự trong khu vực cho phép, giới hạn bằng một sợi dây. “Campuchia làm được một việc đơn giản như vậy để thiết lập trật tự, mỹ quan của điểm đến. Sao chúng ta không làm được?”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, đặt câu hỏi.
Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) hồi tháng 9 vừa qua đã tạm giữ một “cò mứt” tên Nguyễn Văn Quang để làm rõ hành vi hai lần đánh HDV của Vietravel vì đã từ chối, không chịu đưa khách đến lò mứt B.K. Năm 2009, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt là ông Nguyễn Văn Mỹ bị hành hung ở Campuchia do trước đó, ông tiết lộ trên Báo Thanh Niên các chiêu trò chặt chém khách của một số công ty du lịch trong quá trình đưa khách đến Biển Hồ. |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)