Chiếc S-100 chở 45 người, gồm phi hành đoàn người Nga, phóng viên, lãnh đạo các hãng hàng không Indonesia và một người Pháp gốc Việt trong hành trình bay biểu diễn dự kiến kéo dài 40 phút, khởi hành từ thủ đô Jakarta lúc 14 giờ.
Tuy nhiên, sau khi cất cánh khoảng 30 phút, máy bay đột ngột hạ độ cao rồi biến mất khỏi màn hình radar, sau đó được xác định là đâm vào vách ngọn núi lửa ngưng hoạt động Salak.
Không một người sống sót.
Điều khiển chuyến bay với mục tiêu quảng bá dòng máy bay thương mại cải tiến của Nga là phi công dày dạn kinh nghiệm Alexander Yablontsev.
Công việc tìm kiếm thi thể và đưa xác nạn nhân ra khỏi núi, cũng như việc tìm kiếm hộp đen của máy bay mất gần 2 tuần.
Indonesia và Nga đã thành lập đội điều tra phối hợp và độc lập để xác định nguyên nhân tai nạn mà phía Nga coi như một “cái tát” vào nỗ lực cải tổ ngành chế tạo máy bay dân dụng của mình, đồng thời có thể làm tiêu tan những hợp đồng đặt hàng lớn từ các hãng hàng không Indonesia.
Nhưng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) hôm 18.12 cho hay, chính sự lơ đễnh của phi công Alexander Yablontsev đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc.
Giám đốc KNKT Tatang Kurniadi cho biết, theo dữ liệu ghi âm từ hộp đen, phi công Alexander Yablontsev đã nói chuyện với một khách hàng tiềm năng ngồi ngay trong cabin suốt 38 phút về vấn đề tiêu hao nhiên liệu của máy bay. Điều đó khiến ông trở nên “mất tập trung” giữa lúc máy bay vượt khỏi hành trình.
Hệ thống cảnh báo và nhận diện địa hình đã gửi đến phi công nhiều khuyến cáo, nhưng ông Yablontsev đã tắt hệ thống vì cho rằng hệ thống dữ liệu có vấn đề.
“Tai nạn đã có thể tránh được nếu hệ thống được bật lên lại trong vòng 24 giây sau khi cảnh báo đầu tiên được phát đi”, ông Kurniadi nói tại cuộc họp báo.
Ngoài ra, hệ thống radar của sân bay Halim Perdanakusumah ở phía đông thủ đô Jakarta cũng thiếu thiết bị cảnh báo phi hành đoàn về độ cao an toàn của máy bay trong khu vực xảy ra tai nạn.
Như vậy, yếu tố kỹ thuật của máy bay đã được loại bỏ khỏi nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Đại sứ Nga tại Indonesia Mikhail Yurievich Galuzin hoan nghênh kết quả điều tra và cho biết phía Nga đã hợp tác một cách “khách quan và cân bằng” trong quá trình điều tra, AFP đưa tin.
Hồi tháng 11.2012, Indonesia cũng tuyên bố máy bay S-100 “đảm bảo kỹ thuật” để bay trên bầu trời nước này, và loại phi cơ này cũng được chứng nhận là đủ tiêu chuẩn bay ở châu u.
Kết luận mới nhất của KNKT mở đường cho Nga giao 42 máy bay S-100 cho 2 hãng hàng không Kartika Airlines và Sky Aviation của Indonesia.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Phi công chiếc Sukhoi Superjet 100 vi phạm quy định an toàn?
>> Những vụ tai nạn máy bay thảm khốc
>> Một người gốc Việt trên chiếc Sukhoi Superjet 100 gặp nạn
>> Máy bay Sukhoi vẫn có thể bay trình diễn ở VN
>> Chiếc Sukhoi Superjet 100 đã đâm vào vách núi
>> Tìm thấy máy bay Nga mất tích
Bình luận (0)