Ngành công nghệ thông tin mất sức hút

21/12/2012 03:30 GMT+7

Đã từng là một trong những ngành thu hút đông thí sinh dự thi, vài năm gần đây công nghệ thông tin mất dần sức hút dù nhu cầu nhân lực vẫn cao.

Ngành công nghệ thông tin mất sức hút
Sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường tăng, sinh viên giảm

Theo số liệu của Vụ Công nghệ thông tin Bộ Thông tin - Truyền thông, hệ thống đào tạo nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) tiếp tục mở rộng quy mô và hình thức đào tạo với 290 trường ĐH, CĐ (tăng 13 trường so với năm 2011). Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ngành này là 64.796 (tăng hơn 4.000 so với năm 2010), chiếm 11,93 tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, số lượng sinh viên (SV) thực tế được tuyển chỉ đạt 85%.

Cũng theo Vụ này, từ năm 2007 - 2012, thêm 71 trường có đào tạo CNTT thành lập. Tuy nhiên, sau thời điểm bùng nổ người học (2007 - 2008), số lượng SV ngành học này có xu hướng giảm dần.

Tình trạng chênh nhau giữa nhu cầu của thị trường và đào tạo nhân lực ngành học này cũng là lo ngại chung của nhiều chuyên gia. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, Phó hiệu trưởng Trường SaigonTech, hiện đang xảy ra một bất hợp lý: các nhà tuyển dụng cho rằng thị trường cần hàng trăm ngàn nhân lực ngành này trong thời gian tới, nhưng số lượng đào tạo thấp hơn nhiều so với nhu cầu và thí sinh cũng dần quay lưng với ngành này. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đưa ra dấu hiệu cho thấy người học ngày càng ít quan tâm đến ngành CNTT. Ông Tùng cho biết theo thống kê của Hội Tin học TP.HCM, doanh thu của các đơn vị đào tạo CNTT như Aptech, NIIT suy giảm trung bình 20%/năm trong 3 năm trở lại đây.

Với nhu cầu nhân lực tăng 13% mỗi năm, Bộ Thông tin - Truyền thông ước tính trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ CĐ và ĐH trở lên để tham gia triển khai các dự án. Nhưng hiện nay, mỗi năm, cả nước chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực CNTT. “Việc suy giảm trong đào tạo từ năm 2009 - 2012 sẽ tạo sự thiếu hụt nhân lực CNTT từ năm 2015 trở đi. Đơn cử như FPT Software, tăng trưởng hơn 1.000 nhân viên/năm thì phải 3 - 4 trường ĐH lớn đào tạo mới cung cấp đủ số này”, ông Tùng nói.

Lo ngại chất lượng

 

Cung giảm, cầu tăng

Theo số liệu từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ số cung nhân lực ngành CNTT là 6,49%, giảm so với 6 tháng đầu năm 2011 (7,15%). Trái lại, chỉ số cầu nhân lực ngành này là 3,94% (tăng 1,92% so với chỉ số của 6 tháng đầu năm 2011). Điều đó có nghĩa nhu cầu nhân lực của thị trường tăng gấp đôi, trong khi nguồn cung cấp lại giảm xuống.

Số lượng thí sinh dự thi ít trong khi hầu như trường nào cũng có ngành CNTT là một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào học ngành này giảm dần qua các năm.

Theo thống kê của tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, điểm chuẩn ngành này tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM năm 2010 là 15 thì đến năm 2011 chỉ còn 14. Tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, điểm chuẩn ngành kỹ thuật máy tính cũng giảm dần: năm 2008: 19,5 điểm; 2009: 18,5; 2010: 17,5; 2011: 16,5 và 2012: 16. Hàng loạt trường ĐH như: Khoa học (ĐH Thái Nguyên), Bình Dương, Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Hà Tĩnh, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, CNTT Gia Định… thiếu thí sinh đăng ký học ngành CNTT trầm trọng. “Việc hạ thấp điểm chuẩn còn để lại hệ lụy là chất lượng đầu vào kém và khi ra “lò” SV không đáp ứng được công việc thực tế mà doanh nghiệp yêu cầu. Bài toán “thừa lượng thiếu chất” vẫn sẽ còn tiếp diễn”, bà Thư lo ngại.

Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết hiện nay việc nghiên cứu khoa học tại các đơn vị đào tạo ngành CNTT rất kém. Trong khi đó, hoạt động này là động lực để nâng cao năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ông Đức ví von: “Đây là câu chuyện giữa con gà và quả trứng: Ít tiền nên không thể đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học, không đầu tư nhiều thì không thể có sản phẩm chất lượng, không có sản phẩm chất lượng nên không kiếm ra tiền”.

Cần thay đổi chính sách

Tại hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT giai đoạn 2013 - 2015” vào ngày 19.12, các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên. Đó là nhà nước hiện nay vẫn thiếu chính sách phù hợp để tạo được sự hấp dẫn cho ngành CNTT; chất lượng đào tạo chưa cao, SV ra trường không đủ kỹ năng làm việc; chưa định hướng nghề nghiệp tốt cho SV; việc gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo vẫn còn yếu. Chính vì vậy, các chuyên gia đề nghị cần phải có chiến lược tài chính phù hợp, như nâng suất đầu tư đào tạo, ưu đãi về thuế/tài chính cho các đối tượng liên quan đến CNTT, đơn giản hóa thủ tục nhà nước đối với ngành này…

Nói về việc này, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Những năm trước đây hầu như trường nào cũng đua nhau đào tạo ngành CNTT nhưng bây giờ đã thoái trào. Vì vậy cần có chính sách mới để tạo sự hấp dẫn, thu hút nhiều nhân lực cho ngành CNTT. Việc đào tạo cũng phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường - thị trường phát triển thì sẽ thu hút thêm được nhân lực”.  Ông Hà thông tin: “Từ năm 2012, TP.HCM sẽ xây dựng dự án phát triển CNTT về phần cứng, phần mềm và mảng nghiên cứu, phát triển. Sẽ xây dựng thêm một công viên phần mềm Quang Trung tại TP.HCM cũng như mở rộng thêm ở các tỉnh. Lãnh đạo thành phố cũng đang tính tới việc đầu tư tập trung mọi nguồn lực cho một, hai sản phẩm CNTT. Ngoài ra, chúng tôi cũng định mua sản phẩm đã hoàn thiện từ các nhà khoa học cũng như trả tiền các bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín ở nước ngoài để kích thích nghiên cứu khoa học mạnh hơn”. 

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.