Quá nhiều lực lượng
|
Không khó để bắt gặp những cảnh tượng như bạn đọc phản ánh. Một buổi chiều, chúng tôi thấy một cảnh sát trật tự (CSTT) chạy xe mô tô chuyên dụng tiến thẳng về khu quán nhậu đường Dương Bá Trạc (Q.8, ngay dưới dốc cầu Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM). Tưởng đến xử lý mấy quán nhậu lấn chiếm lòng lề đường nhưng không ngờ viên CSTT này đang đuổi bắt một xe vi phạm giao thông (VPGT). Viên CSTT chỉ lo lập biên bản xử phạt VPGT, còn xung quanh đó là bàn ghế của các quán nhậu lấn chiếm lòng lề đường nghiêm trọng. Chúng tôi cũng nhiều lần ghi nhận lực lượng CSTT lập chốt, đi bộ ra giữa đường thổi xe VPGT trên đường Trương Định, đường ven kênh Nhiêu Lộc (Q.3), Nguyễn Tri Phương (Q.10)...
Lợi dụng nhiệm vụ phụ được giao thêm, CS113 cũng hết sức tranh thủ lập chốt xử phạt giống như CSGT trên các tuyến đường như: Trương Định (giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định), Điện Biên Phủ, Lê Văn Sỹ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Cảnh, chân cầu Thủ Thiêm (Q.2)... Chúng tôi từng theo chân một nhóm CSCĐ tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Cừ... Trong vòng 1 giờ đồng hồ cũng chỉ thấy lực lượng này tìm người điều khiển xe 2 bánh không đội mũ bảo hiểm, chở 3 để xử phạt.
Kể từ khi công an phường, xã được giao thêm thẩm quyền xử lý một số hành vi VPGT thì nhiều công an phường, xã cũng tranh thủ phối hợp với bảo vệ dân phố lập chốt xử lý xe gắn máy vi phạm. Theo quy định, bảo vệ dân phố không được quyền cầm gậy yêu cầu dừng xe vi phạm nhưng cảnh tượng này vẫn thường xuyên diễn ra khiến người dân bức xúc. Trong nhiều tháng qua, chúng tôi ghi nhận nhiều địa điểm mà công an phường, dân phòng ra đường bắt xe vi phạm như: dưới gầm cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.8); đường ven kênh Nhiêu Lộc (Q.Phú Nhuận, Q.3)... “Theo tôi nghĩ, công an phường, xã phối hợp với dân phòng nên thường xuyên tuần tra tại các điểm đen trộm cắp, cướp bóc trên địa bàn hoặc lập chốt tại các quán nhậu thường xảy ra ẩu đả gây mất an ninh trật tự (ANTT). Còn tuyến đường nào thường xuyên xảy ra TNGT thì có thể lên kế hoạch chuyên đề tuần tra xử lý theo đợt chứ không nên xuống đường xử phạt giao thông. Còn biết bao nhiêu công việc khác mà phường cần phải làm để kéo giảm nạn trộm, cướp, đánh nhau” - một người dân ở Q.3 bức xúc nói.
|
Ngoài ra còn có một số lực lượng khác cũng có thể xử phạt giao thông như: thanh tra giao thông công chánh, trật tự đô thị phường...
|
Chủ yếu làm “nhiệm vụ phụ”
Một cán bộ công an quận ở TP.HCM cũng thừa nhận thời gian gần đây, CSTT, CS113, CSCĐ xuất hiện trên đường ít thực hiện nhiệm vụ chính mà toàn làm nhiệm vụ phụ nhẹ nhàng hơn như thổi phạt VPGT dễ gây bức xúc cho người dân. “Khi xảy ra ùn tắc, kẹt xe, CSGT xuống đường điều tiết giao thông là chính, rồi nhờ thêm lực lượng TNXP, bảo vệ dân phố. Còn CS113, CSTT hoàn toàn không thấy bóng dáng” - một cán bộ CSGT của PC67 cũng cho biết.
|
Theo chúng tôi tìm hiểu, nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát trật tự cơ động (CSTTCĐ) thuộc công an quận, huyện là giữ gìn ANTT xã hội ở địa bàn được phân công, đề xuất cho trưởng công an quận huyện về các chủ trương, phương án, kế hoạch biện pháp đảm bảo ANTT; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của công an cấp trên thực hiện các phương án, kế hoạch, biện pháp đảm bảo ANTT nơi công cộng, phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động tội phạm, chủ động giải quyết các vấn đề ANTT xảy ra trên địa bàn; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên đột xuất, phát hiện xử lý kịp thời có hiệu quả theo thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn công cộng; tham gia chiến đấu ngăn chặn trấn áp kịp thời các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, các đối tượng phạm tội theo quy định; phối hợp các đơn vị nghiệp vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các lãnh đạo, đoàn khách quốc tế và các lễ hội...; phối hợp công an phường xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành tốt các hoạt động ở những nơi công cộng trên địa bàn; tham gia cấp cứu người bị hại, bảo vệ hiện trường đảm bảo trật tự nơi xảy ra các vụ TNGT hoặc vụ vi phạm pháp luật khác; thực hiện nhiệm vụ phản ứng nhanh...
|
Lãnh đạo công an một quận ở TP.HCM cho biết, theo NĐ34 và 71 mới đây, một số lực lượng trong đó có CSTTCĐ quận, huyện được quyền xử phạt một số VPGT nhưng lỗi vi phạm đó gây ảnh hưởng đến việc xe cộ lưu thông dưới lòng đường, gây ùn tắc giao thông, trấn áp các thanh thiếu niên tụ tập gây mất trật tự công cộng như: xe dừng đỗ sai quy định, chở quá số người quy định, đánh võng lạng lách, tụ tập từ 3 xe trở lên dưới đường... "Tôi đã từng chỉ đạo cho anh em CSTTCĐ không được phép ra đường “lập chốt”, đứng thổi phạt xe VPGT như chạy sai làn đường, không bật đèn xi nhan... vì đó không phải là thẩm quyền của mình. Việc xử lý VPGT không phải là nhiệm vụ chính của CSTTCĐ, nhiệm vụ chính của lực lượng này là giữ gìn đảm bảo ANTT công cộng trên địa bàn; ngăn chặn trấn áp kịp thời các vụ gây rối; tham gia cấp cứu người bị hại trong các vụ TNGT, bảo vệ hiện trường TNGT và các vụ phạm pháp khác...", vị lãnh đạo này cho biết.
Quy định nhiệm vụ của các lực lượng không phải CSGT Theo NĐ 34/2010/NĐ-CP và NĐ 71/2012 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại điều 47 về phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại khoản 3 của điều này thì CSTT, CS113, CSCĐ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến TTATGT đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm sau: khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định; bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư; dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông; điều khiển xe trong tình trạng say xỉn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; không đội mũ bảo hiểm; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường; điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông... Theo điểm d, khoản 1, điều 11 và điểm c, d của khoản 3, điều 10, các lực lượng trên không được xử phạt các vi phạm: không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định... |
Đàm Huy
Bình luận (0)