GS-TSKH Phan Đăng Nhật, mặc một bộ áo the, khoác áo khoác lạnh đến hội thảo về lễ phục sáng qua (21.12). Nhìn ông khá thoải mái trong đi lại. “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất giỏi chuyện ăn mặc. Và đối với Cụ, trong những lễ trang trọng không nhất thiết phải dùng complet và cravat. Vì thế hôm nay tôi mặc bộ này đến đây”, GS Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian nói. Tiêu chí một bộ lễ phục theo GS Nhật là phải tiện lợi, thoải mái và tiết kiệm. “Mùa hè tiện vì thoải mái hơn là complet, cravat sát cổ. Mùa đông thì khoác thêm áo vào cho ấm. Mặc thế này vừa lấp lánh vừa kín đáo. Bên ngoài là lớp the che màu áo gấm kín đáo. Theo quy định trước, màu xanh là của quan lại thường. Tôi cũng bậc trung cấp, mặc màu xanh là vừa. Tôi thấy có người hỏi giá tiền. Tôi chắc giá tiền không đắt bằng complet. Bình luận tùy các ngài, theo tôi cứ rẻ tiền, dễ chịu, thoải mái”, ông Nhật nói.
|
Tiêu chí để chọn lễ phục của GS Nhật đơn giản bao nhiêu thì công cuộc tìm tiêu chí đó cho lễ phục của ngành văn hóa lại khó khăn bấy nhiêu. Đến giờ, qua 12 năm tìm kiếm quốc phục chưa thành, hội thảo này mới bàn đến chuyện tìm chuẩn cho lễ phục. “Chúng ta có một mốc là một bộ được sử dụng như quốc phục song vẫn còn đang thử nghiệm, chưa được công nhận. Bộ lễ phục này được sử dụng trong lễ tại giỗ Tổ Hùng Vương năm 2001 và vẫn duy trì cho đến nay. Nó là kết quả của một đề tài nghiên cứu của Bộ VH-TT chủ trì khá công phu”, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, bộ cánh nói trên đã không được lãnh đạo Quốc hội khi đó chấp nhận sử dụng. Sau này tuy vẫn được duy trì trong những ngày giỗ tổ hằng năm và cũng chưa một lần nào được một quan chức cấp cao hơn chủ tịch tỉnh chấp thuận mặc. Điều này cũng chứng tỏ nó chưa phải là quốc phục. “Tôi nghĩ chúng ta cần tìm một bộ lễ phục mang đặc trưng riêng để phục vụ công tác đối ngoại”, ông Quốc nói. Điều này có vẻ khiến bộ lễ phục sẽ ít “tác động” đến số đông người dân và những dịp lễ quan trọng của họ hơn.
TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long lại cho rằng bộ quần áo phải có dấu ấn đặc trưng (khác thường phục), hài hòa truyền thống - hiện đại, tôn vinh vẻ đẹp hình thể và nhân cách con người Việt Nam hiện đại, đồng bộ chi tiết giữa cả nam và nữ.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có một bộ tiêu chí nào được thông qua. Phần vì các ý kiến thường theo hướng quá chi tiết, phần vì quá nhấn vào việc cần có quốc phục.
“Tôi nghĩ phần lễ phục cho lễ Hùng Vương đã mười năm rồi. Chúng ta sẽ xem lại tiếp xem có thể dùng được không”, ông Dương Trung Quốc nêu giải pháp. Đây là bộ quần áo xây dựng dựa trên bộ khăn đóng, áo dài truyền thống. Nếu bộ quần áo này được lựa chọn làm lễ phục sau khi tiếp thu ý kiến sửa đổi (nếu có), việc chọn lễ phục sẽ nhanh gọn và quan trọng, đỡ tốn kém hơn.
Ý kiến GS Hoàng Chương: Ngượng vì bạn mặc lễ phục nước họ, còn ta chỉ mặc đồ tây “Tại một hội thảo mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, trong đêm văn nghệ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, cả ông và Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rất ngượng vì ông Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn, còn ta chỉ mặc đồ tây”. Nhà thiết kế Đức Hùng: Rắc rối lễ phục nam “Tôi nghĩ bộ áo dài của nữ giới nếu được chọn sẽ không gây tranh cãi. Tuy nhiên, bộ lễ phục nam lại phức tạp hơn nhiều. Rất lâu rồi chúng ta không mặc trang phục này thường xuyên. Theo tôi, hoàn toàn có thể thay đổi bộ khăn đóng, áo dài qua chất liệu, kiểu dáng, độ dài. Chẳng hạn, chất liệu cứng hơn, độ dài vạt ngắn hơn. Khi đó, bộ quần áo có thể tiện dụng, phù hợp với thời đại hơn”. Họa sĩ Thành Chương: Không chính trị hóa vấn đề “Tôi nghĩ khi thiết kế bộ lễ phục chúng ta không nên chính trị hóa vấn đề. Chẳng hạn, không nên nghĩ áo dài, khăn đóng từng là quốc phục của chế độ phong kiến hay chế độ cũ mà không công nhận. Riêng về bộ quần áo cho nam giới, tôi nghĩ hoàn toàn có thể biến áo the khăn đóng thành một bộ quần áo có hơi hướng âu phục, chẳng hạn như có thể may bằng vải cứng hơn và may nhiều lớp như dạng vest”. Ông Nguyễn Huy Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Chủ tịch nước: “Nên tham khảo các quốc gia Đông Nam Á” “Thực tiễn các hoạt động đối ngoại trên thế giới cũng cho thấy trang phục truyền thống dân tộc cũng được một số lãnh đạo cấp cao nước ngoài sử dụng khi chủ trì đón tiếp lãnh đạo cao cấp nước khác tới thăm, cũng như khi thực hiện các chuyến thăm chính thức tới nước khác. Một số đại sứ cũng ưa thích sử dụng trang phục truyền thống khi thể hiện nghi thức trình thư ủy nhiệm. Về quốc phục, chúng ta nên khảo sát nghiên cứu về trang phục, lễ phục của một số quốc gia Đông Nam Á do có nhiều nét tương đồng về địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa. Qua đó cũng có thể học tập kinh nghiệm của họ trong việc lựa chọn trang phục, lễ phục”. |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)