Ngày 21.12, tại buổi gặp mặt báo chí, đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng - người phát ngôn Công an TP.HCM đã chính thức công bố việc thành lập 34 tổ cảnh sát cơ động (CSCĐ) phối hợp với CSGT, cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) tiến hành tuần tra kiểm soát trấn áp tội phạm, bắt đầu từ ngày 20.12.
24/24
Đại tá Lê Anh Tuấn băn khoăn: “Tình hình tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng và đáng báo động, chiếm tỷ lệ cao trong số đối tượng bị bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên chủ yếu là do bột phát tức thời, bốc đồng muốn khẳng định bản thân, thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết về pháp luật. Mặt khác, cũng do ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, đua đòi, chạy theo lối sống hưởng thụ, lười lao động; bị tác động xấu bởi phim ảnh bạo lực, đồi trụy, do bị kích động lôi kéo dẫn đến con đường phạm tội. Ngoài ra, còn xảy ra một số vụ án cướp, cướp giật, trộm cắp… mà đối tượng gây án đã sử dụng ma túy trước đó nên khi thực hiện hành vi phạm tội rất liều lĩnh, manh động, táo tợn, thậm chí dã man; sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, quần chúng khi bị ngăn cản, truy bắt. Điển hình là vụ cướp chém nạn nhân đứt lìa cánh tay ở Q.2”.
Trước tình hình tội phạm diễn ra phức tạp và theo quy luật cuối năm cường độ hoạt động tăng mạnh, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM, đã quyết định thành lập 34 tổ CSCĐ phối hợp với lực lượng CSGT và CSHSĐN tiến hành tuần tra kiểm soát từ 22 giờ đêm đến sáng hôm sau. Trong đó, lực lượng CSCĐ, CSGT tuần tra kiểm soát công khai; riêng CSHSĐN mật phục. Ngoài ra, CSHSĐN phối hợp với nhiều lực lượng khác thành lập các tổ tuần tra kiểm soát 24/24 giờ khép kín địa bàn. Các lực lượng phối hợp trấn áp tội phạm nói trên do CSHSĐN đóng vai trò chủ công. Lực lượng này sẽ tập trung kiểm tra hành chính số thanh thiếu niên có biểu hiện khả nghi, lang thang vào đêm khuya. “Công an TP sẽ huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ xuống đường tham gia trấn áp tội phạm trong đợt này. Lực lượng sẽ tập trung tuần tra kiểm soát những tuyến đường vùng ven, địa bàn vắng người qua lại; những tuyến đường thường xảy ra cướp, cướp giật; các địa điểm tham quan, du lịch tập trung đông người nước ngoài lui tới; các bến xe, bến tàu, nơi tổ chức lễ hội, khu du lịch; các địa bàn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh có khả năng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có”, trung tá Vũ Như Hà, Phó chánh văn phòng Công an TP.HCM, cho biết.
|
Mô hình mới
Đợt này, Công an TP.HCM cũng đẩy mạnh các công tác báo cáo sơ kết để sớm đưa mô hình “Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của địa phương do bí thư Đảng ủy phường, xã làm trưởng ban; chủ tịch UBND và trưởng công an phường làm phó ban và đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên”, vào thực hiện trên toàn TP.HCM. Đây là mô hình khá mới đã và đang được thực hiện thí điểm tại 5 phường, xã gồm: P.2 (Q.Tân Bình); P.25 (Q.Bình Thạnh); P.Linh Trung (Q.Thủ Đức); P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân); xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh). Cái hay của mô hình này là nếu địa bàn nào để tình hình tội phạm diễn ra phức tạp thì người đứng đầu của ban chỉ đạo phòng chống tội phạm địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. “Trước đây, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo các ngành thường hay nói: “…cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị để trấn áp tội phạm”. Đây là câu nói chung chung. Bây giờ mô hình này sẽ cụ thể hóa thành ban phòng chống tội phạm phường, xã và quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để địa bàn xảy ra phạm pháp hình sự nhiều…”, một cán bộ Công an TP.HCM nói. “Dự kiến thành phố sẽ cho triển khai đồng loạt mô hình này cho các phường, xã trên địa bàn. Công an cũng đang khẩn trương nghiên cứu đưa ra tiêu chí cụ thể để dựa vào đó quy trách nhiệm xử lý người đứng đầu của ban phòng chống tội phạm”, trung tá Vũ Như Hà tiết lộ.
Không loại trừ khởi tố hình sự Cũng tại buổi họp báo, đại tá Lê Anh Tuấn đã truyền đạt quan điểm của Ban Giám đốc Công an TP.HCM là kiên quyết, xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ của Công an Q.6, Công an Q.Bình Tân tiêu cực mà BáoThanh Niên (số ra ngày 17, 18, 19.12) đã phản ánh qua loạt bài Cảnh sát trật tự cơ động “làm luật”. Đến nay, công an 2 quận đã đề xuất tước quân tịch 7 cán bộ, chiến sĩ liên quan. Ngay sau khi nhận được thông tin của báo cung cấp, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã tổ chức họp khẩn với đại diện Ban Chỉ huy Công an Q.6, Công an Q.Bình Tân và một số phòng chức năng của Công an TP.HCM. Qua đó đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác ngay đối với 8 cán bộ, chiến sĩ mà báo nêu có dấu hiệu vi phạm; đồng thời giao Thanh tra Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của số cán bộ, chiến sĩ này và những cán bộ có liên quan. Quan điểm của Công an TP là sai phạm tới đâu, xử lý tới đó, không loại trừ việc tước quân tịch và khởi tố hình sự. Hiện vụ việc đang được Thanh tra Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ. |
Ngày 23.11.2012, Công an TP.HCM đã triển khai thực hiện kế hoạch 218/KH-CATP-PV11 về tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng. Sau 19 ngày thực hiện, Công an TP đã ghi nhận xảy ra 305 vụ phạm pháp hình sự, khám phá 188 vụ (đạt 61,63%), bắt 260 tên. Trong đó án cướp, cướp giật, trộm tài sản xảy ra 255 vụ, khám phá 127 vụ (đạt 56,44%), bắt 186 tên; triệt phá 46 băng nhóm, bắt 109 tên (7 băng, 23 tên cướp tài sản; 17 băng, 39 tên trộm cắp tài sản; 22 băng, 47 tên cướp giật tài sản). Trong năm 2012, Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 5.001 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 121 người, bị thương 606 người và thiệt hại tài sản trên 137 tỉ đồng; điều tra khám phá 3.675 vụ, bắt 4.679 tên (đạt 73,48%, tăng 4,51% so với năm 2011); triệt phá 732 băng nhóm tội phạm hình sự, bắt 1.778 tên (trong đó xác lập và khám phá 106 chuyên án bắt 427 tên hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp), khám phá nhiều băng nhóm giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp; vận động đầu thú, thanh loại 761 đối tượng truy nã. |
Đàm Huy
Bình luận (0)