Làm bạn sau ly hôn

23/12/2012 12:57 GMT+7

Sau ly hôn, nếu cha mẹ biết hy sinh “cái tôi” của mình sẽ giúp con trẻ lớn lên bình thường

Thắng, anh bạn tôi, nhà ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức - TPHCM, buồn bã kể lại câu chuyện anh mới đi thăm con về. Vừa thấy anh, thằng bé đã hét toáng lên: “Ông về đi, tôi không muốn gặp ông. Ông là kẻ xấu xa”. Anh Thắng nghe mà không tin vào tai mình nữa. Hỏi ra mới biết vợ cũ của anh đã dạy con như vậy.

Ly hôn rồi vẫn “hành hạ”

Vừa đẹp, lại giỏi kiếm tiền nên chị Minh, vợ cũ của anh Thắng, lúc nào cũng xem thường chồng. Chị hay nói với bạn bè: “Tất cả đồ đạc trong nhà đều do mình sắm; cái quần, cái áo của ông ấy mình cũng mua. Thử buông mình ra xem, chả con nào dám rước ông ấy!”. Nhưng anh Thắng đã “buông” thật. Sau khi ly hôn, anh nhanh chóng kết hôn với một cô giáo dạy tiểu học gần nhà. Như con thú bị thương, chị Minh tức tối tìm cách “trả thù”. Biết anh rất thương con nên chị cứ dựa vào thằng bé mà hành hạ anh. Nửa đêm, chị gọi bảo con bệnh, anh tức tốc chạy từ Thủ Đức lên quận 8, đến nơi thấy thằng bé đang ngủ ngon lành! Thấy chiêu này xài hoài cũng không hiệu quả, chị chuyển sang “đầu độc” con bằng cách kể lể không biết bao nhiêu chuyện xấu xa về anh khiến thằng bé dần dần cũng đâm thù ghét cha mình.

 Làm bạn sau ly hôn
Minh họa: Nguyễn Tài

Còn hoàn cảnh của chị Linh, nhà ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú - TPHCM, cũng không kém phần rối rắm sau khi ly hôn. Chồng gia trưởng, cấm đoán đủ điều khiến chị mệt mỏi và quyết định chia tay. Sau khi  ly hôn, chị cứ ngỡ mình được tự do lựa chọn hạnh phúc nhưng mỗi khi có người nào để ý chị, anh đều đến “phá đám”. Anh Thanh, trưởng phòng của một sở tại TPHCM, có cảm tình với chị nhưng được một thời gian đã rút lui. Anh kể: “Thấy ông chồng cũ cứ chàng ràng bên cạnh cô ấy, tôi ớn quá. Đã ly dị rồi mà ổng vẫn ghen tuông kỳ cục lắm”.

Hãy vì con mà thay đổi

Sau khi ly hôn, không ít cặp vợ chồng cũ xem nhau như “kẻ thù”. Tuy nhiên, cũng có nhiều cặp đôi, sau cú sốc ban đầu, họ bình tâm lại, nhận ra mình còn có chung nỗi bận tâm là đứa con nên đã dần thay đổi suy nghĩ và cách ứng xử. Mới đây, trong cuộc họp mặt “Hội các bà mẹ có con tuổi mèo” trên Facebook, chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy cô bạn Thúy Vy vui vẻ cùng con và một người đàn ông đến chỗ hẹn. Sau khi giúp Vy đỡ thằng bé ngồi xuống ghế, người đàn ông ân cần: “Em và con cứ ở đây chơi. Cần gì cứ gọi nhé, anh phải đi công việc một lát. À, mà lát nữa em muốn đi ăn ở đâu?”... Biết Thúy Vy đã ly hôn nên đợi người đàn ông ấy đi khuất, chúng tôi mới dám hỏi: “Người mới hả?”. Chị cười: “Chồng cũ của em. Dù ly hôn nhưng chúng em vẫn là bạn bè”. Thật khó nhận ra hai người đã ly hôn vì họ đối xử với nhau như bao cặp đôi hạnh phúc khác.

 Chị Thanh Viên, biên tập viên của một tạp chí thời trang tại quận Phú Nhuận - TPHCM, kể: “Dù là những đứa trẻ lớn lên từ cuộc hôn nhân không thành của bố mẹ nhưng chúng tôi rất biết ơn bố mẹ vì họ vẫn xem nhau là những người bạn và vẫn xưng hô với nhau là “anh - em”. Ngày giỗ chạp ở nhà nội, mẹ vẫn đưa chị em tôi về dự, mua quà cáp cho ông bà. Vì thế, mẹ vẫn là con dâu được bên nội quý nhất. Còn bố tôi, không Tết năm nào mà quên lì xì cho ông bà ngoại”. Chính sự chu đáo, kính trọng nhau như thế nên chị em chị Viên vẫn được chăm lo chu đáo, học hành đến nơi đến chốn và quan trọng hơn không bị hội chứng hụt hẫng vì cha mẹ ly hôn.

Văn hóa ly hôn ở Việt Nam còn “khiêm tốn”

Thống kê về ly hôn mới đây cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân (trong khi ở Nga là 3,36, Trung Quốc là 0,79 và Thái Lan là 0,58). Theo số liệu thống kê tại TPHCM, có khoảng 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Nếu so sánh với Mỹ là 49% (cao nhất thế giới) và phần lớn các nước phát triển là khoảng 40% thì con số đó không khiêm tốn gì. Thế nhưng, văn hóa ly hôn của người Việt thì quá “khiêm tốn”.

(Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, tổng đài 1088)

Theo Hồng Đào / Người Lao Động

>> Vụ ly hôn... 2.000 tỉ đồng
>> Giết vợ vì bị đòi ly hôn
>> Bị đâm chết vì đến thăm con sau ly hôn
>> Xử lý hơn 1.800 vụ vi phạm trong vận chuyển, mua bán hàng hóa
>> Chia vốn khi ly hôn
>> Tờ báo dành cho ly hôn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.