Luật sư bị làm khó

23/12/2012 03:20 GMT+7

Ba lần được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng chờ hơn 6 tháng vẫn không được tiếp xúc với bị can, 2 luật sư Lê Quang Y và Nguyễn Anh Dũng (Văn phòng luật sư Lê Quang Y, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) đã bức xúc phát đơn khiếu nại.

 Luật sư bị làm khó

Theo trình bày của luật sư (LS) Y thì ông và LS Dũng được phân công bào chữa cho bị can Huỳnh Thị Kim Ngân trong vụ án trộm cắp tài sản, bị Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) khởi tố ngày 25.1.2012.

“Bà Ngân không yêu cầu”

 

10 mới gặp 1 lần

LS Lê Quang Y cho rằng: “Không có quy định nào buộc tòa phải có lệnh trích xuất và giấy giới thiệu cho LS gặp bị cáo. Nhưng có một kẽ hở là luật cũng không quy định về việc giấy CNBC có giá trị xuyên suốt từ giai đoạn điều tra đến truy tố. Lâu nay các cơ quan tố tụng đều mặc nhiên thừa nhận rằng khi có giấy CNBC thì LS sẽ được làm việc với bị can, bị cáo. Điều này tất cả các trại trạm giam ở các tỉnh, thành đều thực hiện như vậy. Tôi hành nghề 10 năm rồi nhưng lần đầu tiên gặp sự cố ở Mỹ Tho”.

“Theo yêu cầu của gia đình bị can, từ tháng 4.2012 chúng tôi làm thủ tục gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Mỹ Tho xin cấp giấy chứng nhận bào chữa (CNBC) thì được trả lời bằng văn bản rằng bà Ngân không yêu cầu LS. Khi hồ sơ vụ án chuyển sang cơ quan công tố, chúng tôi được Viện KSND TP.Mỹ Tho cấp giấy CNBC ngày 29.5.2012. Sau đó chúng tôi đến Công an TP.Mỹ Tho xin được làm việc với bị can thì cơ quan này cho biết phải có lệnh trích xuất và giấy giới thiệu của Viện KSND hoặc kiểm sát viên đi kèm. Tuy nhiên, khi chúng tôi trở lại liên hệ với Viện KSND TP.Mỹ Tho đề nghị hỗ trợ thì cơ quan này lại từ chối với nhiều lý do”, LS Y cho biết.

LS Y kể tiếp: “Đến khoảng cuối tháng 6.2012, khi chúng tôi liên hệ với Viện KSND TP.Mỹ Tho thì được biết hồ sơ đã được chuyển trả lại Công an TP.Mỹ Tho để điều tra bổ sung. Bấy giờ, chúng tôi tới CQĐT đưa giấy CNBC ra thì được biết phải làm thủ tục xin cấp CNBC mới, vì giấy CNBC của Viện KSND không còn giá trị. Vậy là chúng tôi lại phải làm thủ tục xin và ngày 19.7.2012 được Công an TP.Mỹ Tho cấp giấy CNBC mới. Ngay sau đó, chúng tôi có văn bản yêu cầu bố trí thời gian cho LS tiếp xúc với bị can nhưng không được phúc đáp. Liên hệ với điều tra viên Thắng thì được từ chối với nhiều lý do khác nhau như bận họp, chưa sắp xếp được... và hẹn khi nào xếp lịch sẽ thông báo sau, nhưng chờ hoài không thấy thông báo. Chúng tôi khiếu nại bằng văn bản cũng không ai trả lời”.

Công an đẩy qua, tòa đá lại

Mãi cho đến khi Viện KSND TP.Mỹ Tho có cáo trạng truy tố bị can và tòa án chuẩn bị đưa ra xét xử, các LS tiếp tục liên hệ với TAND TP.Mỹ Tho xin và ngày 13.11.2012 được cấp giấy CNBC lần thứ 3. Sau đó, 2 LS tới Công an TP.Mỹ Tho yêu cầu được làm việc với bị can. Nhưng trong lúc cán bộ trại tạm trích xuất bị can ra, chuẩn bị cho gặp thì có 2 điều tra viên tên Tèo và Duy tới can thiệp, yêu cầu phải có lệnh trích xuất của tòa”. Khi LS trở lại tòa trình bày sự việc thì được trả lời: “Tòa chỉ cấp giấy CNBC, còn việc cho tiếp xúc với bị cáo hay không là quyết định của trại tạm giam, tòa chỉ có lệnh trích xuất khi đưa bị cáo ra xét xử”.

Đến đây thì 2 vị LS cũng đành... bó tay. Họ chỉ có quyền gửi đơn khiếu nại, nhưng tới CQĐT, Viện KSND và TAND TP.Mỹ Tho đều không có phản hồi. LS Y cho biết tính từ giai đoạn điều tra đến lúc này, ông và LS Dũng từ Đồng Nai đến Tiền Giang hơn 10 lần, nhưng không có kết quả. “Không còn cách nào khác, tôi phải điện thoại cầu cứu LS Phan Trung Hoài. Và sau khi LS Hoài nói chuyện qua điện thoại với ông Huỳnh Đức Minh, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho, ngày hôm sau 5.12, chúng tôi mới lần đầu tiên được tiếp xúc với bị cáo Ngân”, LS Y cho biết.

* Theo điều 7, Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10.10.2011 của Bộ Công an thì: “Sau khi cấp giấy CNBC, điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa... Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 giờ...”.

* Điều 10: “Khi người bào chữa có văn bản đề nghị CQĐT cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì CQĐT làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.