Đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ - Kỳ 2: Có thể chỉ một số trường tốp trên thi tuyển

25/12/2012 03:30 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho rằng, sẽ ổn định kỳ thi tuyển sinh như hiện nay đến năm 2015, những thay đổi lớn sẽ diễn ra sau thời gian này.

Phải tính toán lại...

Năm nay các trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh (TS) dù theo số liệu của Bộ, số lượng TS đủ điều kiện xét tuyển còn rất cao. Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này? 

Năm nào Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ cũng họp, tính toán thống kê tuyển sinh đến từng vùng. Số lượng TS trên điểm sàn luôn được tính toán dư ra nhiều để các trường xét tuyển.

 Tuyển sinh đại học
Từ năm 2015 sẽ có những thay đổi lớn về tuyển sinh ĐH, CĐ - Ảnh: Đ.N.T

 

Về cơ bản, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật - thể thao... Chúng tôi đang tính toán nhiều phương án. Có thể sẽ chỉ có một số trường tốp trên thi tuyển, các trường còn lại sẽ xét tuyển

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Những trường và ngành không tuyển được TS đã khó khăn từ các năm trước. Đây là các ngành, trường không thu hút được TS hoặc không còn nóng nữa như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng… Thực tế này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của TS. Dù chỉ tiêu còn dư các em cũng không nộp đơn xét tuyển mà chờ năm sau. Đa số các trường ngoài công lập chỉ chăm chăm đầu tư vào các ngành này nên người học bị giảm sút.

Bộ có phương án nào cho các trường này hay không?

Các trường phải tính toán chiến lược phát triển. Đầu tiên là về ngành nghề, các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng… phải tính toán lại. Thời điểm 3 - 4 năm trước có thể tuyển sinh tốt, TS nộp đơn vô rất nhiều nhưng hiện nay chỉ duy trì các ngành này sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các trường phải tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua chất lượng để tạo niềm tin của người học.

Nhiều ngành nghề ở các trường đã vượt quá nhu cầu thị trường lao động, Bộ sẽ điều tiết chuyện này như thế nào, thưa ông?

Bộ đã cảnh báo nhiều lần việc cung quá cầu ở các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng. Theo quy hoạch, các ngành này chỉ được chiếm 20% tổng chỉ tiêu nhưng nay đã vượt đến 38%. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ đang khống chế mở các ngành này tại các trường. Bộ cũng đã cảnh báo và đang hạn chế tối đa việc mở ngành điều dưỡng, y tá ở bậc CĐ và TC. Nếu không hạn chế, các ngành này cũng sẽ rơi vào tình trạng như khối ngành kinh tế.

Thay vì báo cáo chung về ngành nghề như các năm trước, năm nay Bộ yêu cầu các trường báo cáo kỹ về 22 ngành đào tạo (những ngành có nguy cơ cung vượt quá cầu - NV). Qua đó, sẽ nắm bắt được ngành nào đang chệch khỏi quy hoạch để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng

Ông có nghĩ rằng từ năm sau trở đi, việc tuyển sinh của các trường sẽ còn khó khăn và có sự cạnh tranh nhiều hơn nữa?

Đây là xu hướng tốt vì có sự cạnh tranh lành mạnh. Luật Giáo dục ĐH bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2013 cũng khuyến khích các trường cạnh tranh. Trường nào chưa có chiến lược phát triển và đầu tư nâng cao chất lượng thì sẽ khó khăn.

Ngoài ra, khi luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, sẽ có sự phân tầng các trường. Các trường sẽ được xếp hạng (do các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập tiến hành) nên không thể các trường đều ngang nhau. Từ đây, người sử dụng lao động sẽ biết được sinh viên trường nào tốt hơn. TS cũng sẽ có sự chọn lựa trường phù hợp với nhu cầu và năng lực, vào các trường nghiên cứu, ứng dụng hay đào tạo nghề nghiệp.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã bàn bạc sẽ tổ chức thi theo hướng lựa chọn 3 trong 5 môn học. Trước nhu cầu thay đổi của thực tế, Bộ sẽ có những đổi mới nào về tuyển sinh trong các năm tới?

Về cơ bản, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật - thể thao… Chúng tôi đang tính toán nhiều phương án. Có thể sẽ chỉ có một số trường tốp trên thi tuyển, các trường còn lại sẽ xét tuyển. Hoặc sẽ có một kỳ thi chung có những môn để TS tự chọn. Việc thay đổi nhằm nâng cao chất lượng và giảm tốn kém cho xã hội. Thời gian sắp tới đây có thể Bộ sẽ tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà giáo dục, các thành phần trong xã hội để chọn lựa phương án nào, hoặc chọn lựa môn thi nào. Đây là sự thay đổi lớn và cần tiến hành kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là ổn định tuyển sinh cho đến năm 2015 và chỉ thay đổi về kỹ thuật. Những thay đổi lớn về tuyển sinh sau năm 2015 sẽ được thông báo trước 2 - 3 năm để TS có thời gian chuẩn bị.

Nhiều trường giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế - tài chính

Theo thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trong năm 2013 trường sẽ không thay đổi tổng chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng có một số điều chỉnh. Tăng chỉ tiêu cho các ngành sư phạm như giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non vì đang thiếu giáo viên. Giảm chỉ tiêu ở các ngành tuyển không được và một số ngành kinh tế. Lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng cho biết sẽ giảm 10% tổng chỉ tiêu trong năm 2013 so với năm ngoái trong đó có khối ngành kinh tế - tài chính. Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết các khu công nghiệp ở Đồng Nai luôn cần rất nhiều nhân lực ở các ngành khối kỹ thuật nên năm tới trường có thể giảm một ít chỉ tiêu của khối ngành kinh tế - tài chính để tăng khối ngành kỹ thuật.

Theo thống kê của Bộ, mùa tuyển sinh 2011, trong số 416 trường (197 trường ĐH, 219 trường CĐ) có 248 trường (tỷ lệ 59,62%) tuyển sinh một trong 4 ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Tỷ lệ hồ sơ của TS đăng ký dự thi ĐH, CĐ vào 4 ngành này bình quân trong 3 năm (2009 - 2011) chiếm xấp xỉ 41%/tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

 

Đăng Nguyên
(thực hiện)

>> Đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.