3 phương án chính quyền đô thị: Dân có thể bầu trực tiếp thị trưởng

25/12/2012 03:35 GMT+7

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) áp dụng trên phạm vi toàn quốc của Bộ Nội vụ được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

Ngày 24.12, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện 32 tỉnh, thành phố khu vực phía nam về dự thảo đề án mô hình tổ chức CQĐT.

Giải quyết thủ tục hành chính 
Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND Q.1, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo Bộ Nội vụ, sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Nhìn nhận một số vấn đề “nóng” về thể chế đang nổi lên hiện nay, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng: “Thể chế hành chính (hiện nay - NV) thiên về chịu trách nhiệm tập thể, không khuyến khích trách nhiệm giải trình; phân công, phân cấp chưa được cân nhắc kỹ càng, khiến tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống quản lý diễn ra nghiêm trọng, dẫn đến lợi ích nhà nước bị nội bộ hóa, cục bộ hóa, không còn là một thể thống nhất”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, từ thực trạng tổ chức chính quyền địa phương nêu trên, đòi hỏi phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. Bộ Nội vụ trình 3 phương án CQĐT.

Phương án 1: Không tổ chức HĐND huyện - quận - phường trong cả nước, đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận - phường hiện nay. Phương án 2: Không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị (mở rộng phạm vi so với phương án 1). Phương án 3: Tổ chức CQĐT theo mô hình thị trưởng. Theo đó, thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn TP trực thuộc T.Ư và TP, thị xã thuộc tỉnh là tòa thị chính, đứng đầu tòa thị chính là thị trưởng. Trong đó, có 2 phương thức bầu thị trưởng (do HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và do cử tri TP trực tiếp bầu ra). Thị trưởng có quyền giải tán HĐND, sau đó cử tri TP bầu trực tiếp HĐND mới. Tuy mô hình thị trưởng nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhưng nhiều người lo ngại dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, độc quyền, quan liêu của người đứng đầu là thị trưởng.

Ông Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề án (Bộ Nội vụ) cho biết: “Mục đích cuối cùng của đề án là nhằm quản lý, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân". Trong 3 phương án trên, Bộ Nội vụ đề nghị lựa chọn phương án 1 vì phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đặng Quốc Tiến cho rằng, cần áp dụng phương án 1 cho cả nước nhưng riêng đối với TP.HCM nên cho TP này lựa chọn thí điểm kết hợp phương án 2 hoặc 3 để đến năm 2020 có thể triển khai trên cả nước.

Nhiều ý kiến đề nghị “không ngồi bàn luận nữa” mà cần nhanh chóng triển khai trên thực tế mô hình tổ chức CQĐT, đồng thời việc làm này phải gắn với sửa đổi Hiến pháp để có cơ sở thực hiện.

Cái gì cũng xin thì không còn phù hợp

Theo TS Thang Văn Phúc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, yêu cầu đặt ra là quản trị đô thị hiện nay đòi hỏi một đội ngũ có tính chuyên nghiệp cao hơn. Về mặt tổ chức thì cần phải có thực quyền để chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến dân sinh, đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng, mau lẹ của nền kinh tế. “Phương án 1 phù hợp với thời kỳ chuyển đổi hiện nay. Riêng cá nhân tôi ủng hộ phương án 3 nhưng phương án này còn khá lâu dài mà thật sự chúng ta phải đạt được trong tương lai. Bây giờ cái gì cũng xin thì nó không còn phù hợp trong thời kỳ quản trị mới. Chúng ta cần hướng đến việc phân quyền mạnh để tăng tính tự chủ trên cơ sở thống nhất của luật pháp, không còn phải cấp trên cấp dưới theo kiểu mệnh lệnh hành chính”, TS Phúc nói, và cho biết, nếu được Hiến pháp sửa đổi lần này thông qua và ghi nhận, thì có thể nhiệm kỳ 2016 - 2020 sẽ triển khai mô hình CQĐT trên phạm vi toàn quốc.

Đình Phú

>> Chính quyền đô thị
>> Thêm nhiều đô thị lớn ở ĐBSCL có nguy cơ ngập lụt
>> Xây dựng văn minh đô thị
>> Đô thị hóa lòng đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.