Họa sĩ Trần Thùy Linh: Sáng tạo cần phải được nuôi dưỡng

27/12/2012 05:00 GMT+7

Bận rộn với nhiều chuyến đi, những cuộc đón tiếp quan khách từ Đức qua, chị vẫn dành cho mình niềm đam mê lớn lao: hội họa.

Năm 2011, chị là 1 trong 4 nữ họa sĩ VN được mời triển lãm tranh chung ở Singapore. Đây là triển lãm tranh đầu tiên dành riêng cho các nữ họa sĩ VN ở đảo quốc sư tử. Trước đó, năm 2010, chị cũng có tranh trong một triển lãm do Hội Họa sĩ nữ quốc tế tổ chức ở Mỹ và tháng 6 vừa qua, hội này đã mở một triển lãm tranh chung lần thứ 10 tại VN, với 212 họa sĩ trong và ngoài nước trưng bày tranh. Dĩ nhiên, tranh của chị cũng góp mặt. Có thể nói, chị là cầu nối để nhiều họa sĩ nước ngoài tới TP.HCM triển lãm, đồng thời giao lưu với giới họa sĩ trong nước.


Họa sĩ Trần Thùy Linh ảnh: T.L 

Tốt nghiệp một trong những trường đại học cổ nhất châu u - Leipzig (Đức) chuyên ngành Ngôn ngữ và văn học Đức; Lịch sử mỹ thuật và thần học, Trần Thùy Linh về VN đầu quân cho một công ty du lịch thuộc hàng lớn nhất nước, rồi sau phụ trách thị trường khách Đức ở giai đoạn du lịch VN vừa mở cửa. Nhưng lúc điểm đến VN trở nên sôi động nhất, mới lạ nhất khu vực, chị rẽ ngang qua làm trong ngành ngoại giao. Giới lữ hành tiếc nuối, bởi có thời chị được trao cho danh hiệu không chính thức, nhưng vẫn đầy hãnh diện: Người Việt nói tiếng Đức giỏi nhất Sài Gòn.

 

Trần Thùy Linh là thành viên của câu lạc bộ họa sĩ Cùng sánh bước được sáng lập và dìu dắt bởi họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và cố họa sĩ Nguyễn Long Sơn. Cùng sánh bước đồng thời là tên của một triển lãm thường niên của nhóm họa sĩ này, nơi các họa sĩ có cùng quan điểm nghệ thuật, cùng chí hướng, trưng bày các tác phẩm của mình trước công chúng.

Quá bận bịu với công việc, chị làm gì để cân bằng giữa nó và niềm đam mê hội họa?

Tôi lại nghĩ mình không cần tìm kiếm sự cân bằng giữa chúng. Nếu nhìn bề ngoài và chỉ xét thuần túy trên phương diện phân chia thời gian của một ngày, một tháng hay một năm thì đúng là phải sắp xếp rất khéo mới có thể giải quyết được công việc và đam mê một cách hợp lý. Đối với tôi, sự cân bằng này chỉ mang tính kỹ thuật. Quan trọng hơn là tạo cho mình được sự cân bằng trong tư duy công việc. Trong hội họa, nhiều khi cân bằng quá, vẽ không được. Tôi coi niềm đam mê hội họa là thánh địa, và ở trong đó tôi có thể làm tất cả những gì tôi thích, mà không cần phải băn khoăn thế nào là cân bằng.

Đối với chị, ý tưởng sáng tác thường được hình thành như thế nào?

Tôi vẽ bất kỳ lúc nào khi có cảm hứng. Cũng có khi đang đi trên đường, chợt có cảm hứng thì tôi sẽ ký họa, hoặc chụp hình. Thường tôi vẽ vào buổi tối, ban đêm, có khi sáng sớm và những ngày cuối tuần. Không phải chỉ vì không bị vướng bận công việc, mà với tôi đó là những thời khắc thích hợp nhất về không gian và thời gian cho hội họa. Cái tĩnh mịch của đêm làm cho những suy nghĩ của mình chín hơn và việc trải lòng bằng màu sắc dễ hơn rất nhiều. Còn sáng sớm, sự tinh khiết mang cho mình rất nhiều cảm xúc.

Tôi thuộc nhóm người vẽ nhanh, khi đã chắc chắn về ý tưởng của mình. Thời gian để “thai nghén” ý tưởng cho một series tranh thường rất lâu. Ý tưởng thì rất nhiều, các chuyến đi cũng rất có ích cho việc này. Nhưng thời gian nghiền ngẫm để chọn lọc chúng, hay suy nghĩ về cách thể hiện chúng, thường kéo dài từ ít nhất vài ba tháng, có khi tới một năm hoặc hơn. 

 

Sáng tạo, với tôi, là một món quà mà trời đất dành cho tất cả mọi người. Chỉ có điều không phải ai cũng tự biết điều đó và biết tự đánh thức nó bằng những khả năng của mình

Sáng tạo trong hội họa có phải đơn giản là tìm ra một chất liệu mới, hay một chủ đề mới, hay một tư tưởng thế hiện mới trong tác phẩm, hay còn những gì khác nữa?

Theo cách nhìn thông thường thì người ta cũng có thể nói, bạn sáng tạo, khi bạn tìm ra một chất liệu mới, tư tưởng mới hay một cách thể hiện mới trong các tác phẩm hội họa của mình. Nhưng tôi nghĩ, đó mới chỉ là vài điểm của bề nổi khi người ta bàn về sáng tạo.

Sáng tạo, với tôi, là một món quà mà trời đất dành cho tất cả mọi người. Chỉ có điều không phải ai cũng tự biết điều đó và biết tự đánh thức nó bằng những khả năng của mình. Vì thế mà người ta khác biệt. Sáng tạo chỉ được gọi là sáng tạo, khi nó được con người trao cho sự sống. Với tôi, sáng tạo trong hội họa là một quá trình “thiền”, thường mang lại những kết quả rất ngạc nhiên. Đó là một quá trình mà bạn có thể tự giải thoát những cảm xúc của mình - hay ít nhất là bạn cũng hy vọng thế - thông qua màu sắc và kỹ thuật hội họa, với đích đến cuối cùng là đạt được tự do. Sự tự do chỉ có thể tới, khi họa sĩ để quá trình sáng tạo của mình diễn ra một cách tự nhiên, và “tặng” tác phẩm của mình cho người xem, để họ có thể tìm thấy sự tự do của chính họ trong đó. Khi ấy, quá trình sáng tạo hội họa mới có thể được coi là hoàn tất, tôi nghĩ thế. Cũng chính vì sự khó khăn về bản chất của sự sáng tạo như vậy, nên không phải ai cũng có thể giải thoát được tự do sáng tạo. Nó luôn đòi hỏi mình phải nuôi dưỡng và nỗ lực không ngừng.

Liệu hội họa có phải là hình thức thay lời muốn nói tốt nhất của chị với người khác?

Với tôi, nghệ thuật luôn mang tính cá nhân. Hội họa lại càng mang đậm tính cá nhân. Tùy theo từng giai đoạn của cuộc đời, theo cảm xúc của từng thời mà người họa sĩ sẽ bày tỏ những trải nghiệm qua tranh của mình. Tranh của tôi ở thời kỳ đầu sáng tác mang những cảm xúc về thiên nhiên và hoài niệm về thời thơ ấu ở vùng thôn quê, dù tôi xuất thân từ thành phố, hay ký ức về những vùng miền mà mình đã đi qua. Những trăn trở về xã hội, về con người, về nhân sinh quan và những vấn đề của chính bản thân mình là thông điệp trong các series tranh ở những thời kỳ sau đó.

Tôi vẽ tranh trước hết là muốn chuyện trò với chính bản thân mình. Hội họa cho tôi một cuộc đối thoại - không phải độc thoại - tốt nhất. Thật là may mắn, khi bạn xây dựng một cuộc đối thoại cho mình, nhưng lại được những người khác cùng lắng nghe, đồng cảm và nhiệt tình tham gia, qua những cuộc triển lãm.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.