Ngày 27.12, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, khoa vừa điều trị giải ngộ độc heroin cho bé trai này.
Gia đình cho biết, ngày 30.11, bé T. được gửi cho người quen trông giúp vì bố mẹ đi làm. Đúng chiều hôm đó, thấy đau bụng nên bà trông trẻ đã pha một chút heroin ra cốc nước với ý định uống để trị đau bụng. Tuy nhiên bà không uống ngay mà để trên bàn rồi vào bếp. Khi quay ra thì bé T. đã uống hết cốc nước có heroin.
Bà vội thông báo cho bố mẹ bé T. về sự việc nhưng thấy con vẫn chơi bình thường, nên bố mẹ cháu không đưa bé đi viện.
Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, bé T. có biểu hiện tím tái, lịm dần, lúc này bố mẹ vội đưa bé đến BV thị trấn Mai Châu. Tai đây bé được chẩn đoán ngộ độc heroin và được chuyển cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội.
Bé T. cấp cứu trong tình trạng trạng rất nguy hiểm vì đã có sốt cao co giật, thở rất chậm (chỉ chừng 20 nhịp/phút), có cơn ngừng thở, hôn mê, sốt cao, co giật. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé bị ngộ độc heroin dẫn đến tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu.
“Vào viện, được tiêm thuốc giải độc, truyền dịch nhưng bệnh nhi vẫn đái ra máu, men gan tăng rất cao: 241 so với chỉ số bình thường dưới 37. Chỉ số này vẫn tiếp tục tăng trong những ngày sau đó dù đã ngay lập tức được điều trị giải độc cấp cứu”, TS Dũng cho biết. Tuy nhiên, với nỗ lực của các bác sĩ, bé T. đã bình phục và được xuất viện.
Theo TS Dũng, “Ngộ độc heroin hay các chất gây nghiện đều rất độc, thậm chí tử vong ở mọi đối tượng”. Người lớn cần để các vật dụng hoặc đồ uống (thuốc, nước nóng) khỏi tầm tay của trẻ, tránh trường hợp trẻ tự lấy uống rất nguy hiểm vì có thể bị gây ngộ độc, bỏng, tai nạn cho trẻ.
Nam Sơn
>> Ngộ độc thực phẩm tại gia đình tăng mạnh
>> Ngộ độc hotdog, hơn 200 người nhập viện
>> “Ngộ độc” âm nhạc
>> Công nhân Công ty CanSports lại ngộ độc thực phẩm
>> Đình chỉ bếp ăn ở công ty xảy ra ngộ độc
>> Tây Ninh: Lại ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại một công ty
Bình luận (0)