Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) về vấn đề này.
|
Xin vào ký túc xá cũng bị thầy quấy rối
|
Giáo dục và y tế là hai ngành luôn đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu và được xã hội coi trọng. Thưa bà, liệu có nhầm lẫn khi khảo sát cho rằng đây là hai ngành xảy ra quấy rối tình dục nhiều nhất?
Trước hết phải khẳng định, ở Việt Nam quấy rối tình dục là vấn đề nhạy cảm. Đây là nghiên cứu đầu tiên nên không có được kinh nghiệm của người đi trước. Do đó, trong phương pháp nghiên cứu, chúng tôi sử dụng định tính là chính, bao gồm: rà soát đánh giá tài liệu và thảo luận nhóm trọng tâm. Trong thảo luận nhóm diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi phỏng vấn hơn 100 người, đại diện cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, sinh viên... Bản thân những người tham gia thảo luận đã chia sẻ những trải nghiệm của mình và của bạn bè, người thân. Kết quả thảo luận nhóm trọng tâm cho thấy, quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào.
Trong ngành giáo dục, các sinh viên quan sát giáo viên quấy rối nhau, nhìn thấy giáo viên quấy rối lao công. Rồi bản thân các em và bạn học đi xin điểm, thậm chí xin ở ký túc xá cũng bị thầy quấy rối. Có em chia sẻ, uất ức không biết nói với ai. Ở cuộc thảo luận tại TP.HCM, những người tham gia rất tức giận, bức xúc khi kể về những trải nghiệm của họ, con họ khi đi khám bệnh. Tiếc là chúng tôi không thể đem ra để làm bằng chứng bởi họ không muốn đứng ra tố cáo. Cái dở của chúng ta hiện nay là vẫn chưa có cơ chế nào để xử lý. Đặc biệt, bệnh nhân rất sợ tố cáo bác sĩ có khi còn chết oan. Xâu chuỗi lại, sự phản ánh tại các buổi thảo luận trọng tâm hoàn toàn trùng khớp với thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng: các vụ việc quấy rối nhức nhối lại rơi chủ yếu vào 2 ngành y tế và giáo dục.
Không thể nói đó là “con sâu làm rầu nồi canh”
|
Khi công bố khảo sát này, nhóm nghiên cứu có vấp phải ý kiến phản ứng nào không, nhất là những người trong ngành giáo dục và y tế, thưa bà?
Nói chung là ủng hộ vì mọi người đều cảm nhận được điều đấy đang tồn tại. Chúng tôi chưa gặp ai phản biện lại vì những vụ việc, những ví dụ đưa ra đều là người thật, việc thật, quá thật và được đăng tải trên báo chí. Còn nhiều ví dụ nữa mà tôi chưa đưa ra, không thể nói đó là “con sâu làm rầu nồi canh”. Bản thân đại diện trong ngành y tế cũng ghi nhận là có và rất khó xử lý. Chúng tôi có mời Công đoàn ngành giáo dục tham luận nhưng họ không tham gia. Có thể họ chưa coi vấn đề này là nghiêm trọng.
Từ khảo sát này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo gì?
Ở Việt Nam, nhận thức về quấy rối tình dục còn có những hạn chế về định kiến. Khi lấy ý kiến về hướng dẫn luật, chúng tôi rất đau lòng khi chính những người quản lý nhà nước cho rằng, luật Lao động không điều chỉnh quan hệ thầy và trò, giữa bác sĩ và bệnh nhân. Vậy, bây giờ xử lý theo luật nào đây?
Đưa điều khoản quấy rối tình dục vào luật là một bước tiến nhưng nếu không hướng dẫn thì không thể thực thi. Chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng khiến các nạn nhân không dám công khai lên tiếng tố cáo hoặc phản kháng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện nghiên cứu xã hội học về phạm vi và mức độ của quấy rối tình dục tại nơi làm việc với quy mô cấp quốc gia, để có cơ sở dữ liệu định lượng làm căn cứ cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực tiễn cho thấy một nhu cầu rất lớn đối với các nghiên cứu về tác động của quấy rối tình dục tại nơi làm việc lên những nhóm đối tượng đặc biệt như lao động giúp việc gia đình, sinh viên, học sinh, cũng như một số ngành đặc thù được cho rằng dễ có khả năng xảy ra như y tế, giáo dục.
Có thể xảy ra ở nhiều đối tượng Nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được thực hiện từ ngày 15.8 - 15.10.2012, nhằm đưa ra những phát hiện chính về thực trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam và những khuyến nghị đối với sự cần thiết có các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện những điều khoản có liên quan của bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nghiên cứu thu thập thông tin từ 5 thảo luận nhóm trọng tâm thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM và một số tư liệu có được trên báo chí. Đối tượng tham gia thảo luận nhóm gồm hơn 100 người là cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước; đại diện của các tổ chức Công đoàn, các tổ chức của người sử dụng lao động; đại diện của các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức đoàn thể khác, sinh viên của 4 trường ĐH ở Hà Nội. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối tượng dễ bị quấy rối tình dục là những người có trình độ và vị thế chuyên môn thấp. Tuy nhiên, điều này cũng xảy ra với cả những người có trình độ học vấn và vị thế cao, thường dưới những hình thái phức tạp. Sau y tế và giáo dục, du lịch cũng được xếp vào ngành dễ có khả năng xảy ra quấy rối tình dục. |
Thu Hằng (thực hiện)
Bình luận (0)