Hương Quế, miền đất 600 năm

31/12/2012 03:55 GMT+7

Làng Hương Quế, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có một ngôi đình độc đáo, một nhà thờ tộc xây dựng từ đầu thế kỷ 16, được xem là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng lâu đời nhất của xứ Đàng Trong, gắn liền với sự nghiệp mở nước của 3 vương triều Hồ, Trần, Lê trong lịch sử.

Du khách đến huyện Quế Sơn (Quảng Nam) thường đi thăm các thắng cảnh Suối Tiên, Hồ Giang, suối nước nóng Bàn Thạch, đèo Le hay xa hơn nữa là Hòn Kẽm đá dừng, làng Đại Bường nay thuộc huyện Nông Sơn. Ít ai biết, tại đây còn có một ngôi đình làng độc đáo, đó là đình làng Hương Quế và nhà thờ tộc Phạm. Theo các bậc cao niên, làng Hương Quế xưa gồm có 5 làng, gọi là Ngũ Hương: Hương Lư, Hương An, Hương Quế, Hương Li, Hương Yên, nay thuộc xã Quế Phú, nằm ngay bên QL1 gần cầu Hương An. Đình làng Hương Quế là nơi thờ “tam vị tiền hiền” của làng: tiền hiền họ Phạm, họ Trần và họ Nguyễn.

Hương Quế, miền đất 600 năm 
Ba miếu cổ trước nhà thờ tộc Phạm, làng Hương Quế, huyện Quế Sơn - Ảnh: Trương Điện Thắng

Tiền hiền họ Trần là ngài Trần Văn Chơn, người gốc Thanh Hóa, nguyên là đô đốc chỉ huy hải quân dưới thời Trần Quý Khoáng. Tiền hiền họ Nguyễn là ngài Nguyễn Ngọc Thanh, con trai của Nguyễn Văn Lang, một danh tướng đức độ, quê ở làng Gia Miêu, Tống Sơn, là hậu duệ bốn đời của danh thần lỗi lạc Nguyễn Trãi. Và đặc biệt là ngài tiền hiền họ Phạm, Phạm Nhữ Tăng, một danh tướng đời Lê Thánh Tông (1470-1497), thuộc dòng dõi danh tướng Phạm Ngũ Lão. Do lập công lớn trong sự nghiệp mở cõi về phương nam, Phạm Nhữ Tăng được giao trọng trách Quản lãnh đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, tuyển mộ nhân lực vào khai hoang, mở ra nhiều vùng đất mới. Sau khi ngài mất, vua Lê Thánh Tông đã cho đưa di hài từ Bình Định về Hương Quế là nơi tộc Phạm đã định cư nhiều đời để chôn cất. Ngày nay trước mộ của ngài Phạm Nhữ Tăng vẫn còn câu đối do chính vua viết. Cùng với việc ban sắc gia phong Hoàng túc trợ võ đặc tấn phụ Quảng dương hầu Phạm Quý công đại phu, nhà vua còn cho xây cất lăng mộ và trích cấp tự điền. Ông được triều đình sắc phong Thượng đẳng phúc thần có tượng thờ trong gian chính đình làng.

Gần đó, giữa đồng lúa rộng của làng là nhà thờ tộc Phạm xây dựng từ thế kỷ 16 nép mình dưới những tàng cây cổ thụ. Theo phả tộc, ông nội ngài Phạm Nhữ Tăng là ngài Phạm Nhữ Dực, giữ chức Chánh đô án vũ sứ phụ trách di dân ở khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi dưới triều Hồ Hán Thương (1401). Giản Định vương nhà Hậu Trần phong cho ông chức Bình Chiêm thượng tướng quân, tước Dực Nghĩa hầu…

Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê; trong đó có đại ấn "Đế mạng chi bửu" của vua Lê Thánh Tông và "Chế mạng chi bửu" của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận từ nhiều thế hệ.

Nhà thờ họ Phạm rộng ba gian. Gian giữa thờ tượng gỗ Phạm Nhữ Tăng, trong khuôn viên có ba miếu cổ dành thờ các vị thần Thánh mẫu Thiên y Ana, bò thần Nadin và một bi ký viết chữ Chăm có bề ngang 1,6 m, bề cao 1,8 m. Nơi đây là một trong những di tích hiếm hoi và quý giá, bởi những hiện vật mang tính lịch sử được các thế hệ dân làng và các đời vua chúa trân trọng, luôn tu bổ, thờ phụng. Với các đặc điểm kiến trúc và công trình tín ngưỡng đặc thù, nhà thờ tộc Phạm và ba miếu thờ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007.

Theo các nhà nghiên cứu, ba miếu thờ trong khuôn viên này là bằng chứng cho thấy mối giao lưu văn hóa, tín ngưỡng và quá trình cộng cư của hai dân tộc Việt - Chăm trong lịch sử một cách sinh động, trong đó vai trò của các danh thần như các ngài tiền hiền họ Phạm là hết sức quan trọng. Vì thế đến thăm các di tích ở làng Hương Quế, những người yêu lịch sử sẽ trực tiếp cảm nhận công lao của tiền nhân.

Trương Điện Thắng

>> Giải bài toán nguồn nhân lực du lịch
>> Tuần lễ kích cầu du lịch Huế
>> Du khách đến Đà Nẵng bằng tàu du lịch biển tăng trở lại
>> Khách du lịch đường hàng không tăng cao
>> Du lịch Quảng Ninh hút khách mùa đông

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.