Lao đao tìm việc cuối năm - Cử nhân thất nghiệp

01/01/2013 03:00 GMT+7

Sinh viên ra trường không tìm được việc ngày càng nhiều. Để cầm cự với cuộc sống, một bộ phận trong số thất nghiệp đã phải chấp nhận làm những công việc giản đơn.

Cử nhân làm… phục vụ

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thanh Phú đang loay hoay tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, Phú cho biết: “Mình tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM loại khá, hơn 2 tháng nay ngày nào mình cũng tìm việc, hết đến trung tâm giới thiệu việc làm, dạo trên mạng rồi trên các tờ báo có đăng tuyển dụng nhân sự nhưng vẫn chưa thấy công việc nào phù hợp”. Phú tâm sự: “Bây giờ mình chuyển hướng sang những công việc giản đơn như phục vụ hoặc bán hàng, làm tạm chứ không chờ đợi mãi như thế này được nữa, vì hằng tháng phải đối mặt với đủ thứ khoản chi, nào là tiền trọ, tiền ăn, sinh hoạt phí… Mà ra trường rồi thì phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân chứ không lẽ xin tiền gia đình hoài”.

Là bạn cùng quê với Phú, Thúy Hằng tốt nghiệp ngành kế toán Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, ra trường mấy tháng rồi mà vẫn chưa tìm được việc làm. Hằng cho biết: “Mình đang định tìm một công việc bán thời gian làm đỡ để kiếm tiền trang trải những chi phí trước mắt rồi từ từ tính tiếp”. Tương tự, Nguyễn Thị Bích Ngọc, tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM từ tháng 6.2012 đến nay cũng chưa kiếm ra việc. Hiện Ngọc đang làm việc tại một tiệm bán băng đĩa ở Q.Gò Vấp. Ngọc tâm sự: “Lúc mới ra trường mình định xin vào một ngân hàng ở Q.6, nhưng họ ra giá phải chung 300 triệu đồng. Số tiền đó làm sao gia đình mình kham nổi”.

“Mình chỉ yêu cầu mức lương 3 triệu đồng/tháng chứ có đòi hỏi gì cao nhưng nộp đơn nhiều chỗ rồi vẫn không thấy kêu phỏng vấn”, Diệp Thế Vinh, tốt nghiệp ngành tài chính-ngân hàng Trường ĐH Văn Hiến được 6 tháng nay tỏ vẻ ngán ngẩm. Tôi hỏi: “Sao bạn không về quê xin việc?”. Vinh thở dài: “Ở quê mình khó xin việc lắm! Nếu muốn có việc thì phải chung chi. Tất cả đều có giá của nó anh à”.


Bạn trẻ tìm việc trên mạng tại ngày hội việc làm ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào tháng 11.2012 - Ảnh: Lê Thanh

Chấp nhận làm “trái tay”

Không riêng gì những SV mới ra trường, nhiều người tốt nghiệp đã lâu, từng bươn chải và có kinh nghiệm cũng rơi vào tình cảnh bi đát. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống học sinh, sinh viên thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, nhìn nhận: “Có một thực tế hiện nay là thị trường lao động tập trung tuyển nhiều ở 2 lĩnh vực: nhân viên kinh doanh và trực tổng đài điện thoại. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, dù bạn có tốt nghiệp ngành gì đi nữa, nếu không muốn thất nghiệp hoặc phải đi làm công việc lao động phổ thông thì cơ hội của bạn phần lớn rơi vào 2 lĩnh vực này”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) tâm tình: “Mình có bằng cao đẳng kế toán, kinh nghiệm 2 năm, biết làm báo cáo thuế, sổ sách, chứng từ, công nợ, báo cáo tài chính… nhưng tìm mãi vẫn chưa được việc nào phù hợp”. Chị cho biết thêm, mức lương chị đề nghị trong hồ sơ xin việc dao động từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Bà Huyền Tôn Nữ Kim Phụng, Phó phòng Cung ứng lao động của Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, đánh giá: “Nhu cầu lao động của thị trường hiện nay không đa đạng và phong phú như mọi năm. Có nhiều ngành như xây dựng, tài chính, ngân hàng, kế toán… dường như không thấy các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển. Thay vào đó, nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề về kinh doanh, dịch vụ lại tăng cao. Hiện các công việc liên quan đến lĩnh vực này tại trung tâm chiếm khoảng 60-65% so với ngành nghề khác. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ thử sức nhưng đôi khi buộc bạn phải chấp nhận làm trái với ngành học của mình”.

Lê Thanh

>> Lao đao tìm việc cuối năm
>> Thừa cân khó tìm việc
>> Tìm việc và làm đẹp
>> Tìm việc làm cho 3.000 người
>> Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.