Tìm hiểu thế giới người khiếm thị qua triển lãm Vô hình

31/12/2012 15:35 GMT+7

(TNO) Triển lãm Vô hình tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) tạo cơ hội cho mọi người hiểu được cuộc sống trong bóng tối của những người khiếm thị.

(TNO) Triển lãm Vô hình tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) tạo cơ hội cho mọi người hiểu được cuộc sống trong bóng tối của những người khiếm thị.

“Đến với triển lãm Vô hình (tiếng Ba Lan là Niewidzialna Wystawa), du khách sẽ phải đóng vai người khiếm thị để hiểu được cuộc sống thường ngày của họ”, bà Malgorzara Szumowska, người quản lý triển lãm Vô hình cho AFP biết vào ngày 30.12.2012.

Một người hướng dẫn khiếm thị bước vào triển lãm Vô hình ở thủ đô Warsaw của Ba Lan - Ảnh: AFP
Một người hướng dẫn khiếm thị bước vào triển lãm Vô hình ở thủ đô Warsaw của Ba Lan - Ảnh: AFP
 

“Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác sống trong bóng tối khi đi qua các căn phòng hoàn toàn không có đèn, nhưng được thiết kế dựa trên các giác quan”, theo Szumowska.

Chuyến du ngoạn kéo dài một giờ đòi hỏi du khách phải có một trí tưởng tượng phong phú, học làm quen với cách ngửi, nghe, nếm và chạm để cảm nhận thế giới xung quanh hoàn toàn trong bóng tối. Tất cả người hướng dẫn đều là người khiếm thị.

“Có sáu căn phòng, tất cả đều chìm trong bóng tối. Mỗi căn phòng tái tạo lại một môi trường sống hằng ngày như ở một căn hộ, đường phố, viện bảo tàng …”, bà Szumowska cho biết.

Chẳng hạn, căn phòng “đường phố” sẽ phát ra âm thanh xe cộ người qua lại đông đúc và “mùi” của đường phố. Du khách phải học cách cảm nhận để tránh những “chướng ngại vật" trên đường như xe hơi và cột đèn.

Chặng dừng chân cuối cùng là một quán cà phê ồn ào, nơi người hướng dẫn khiếm thị đóng vai người hầu bàn.

Bên cạnh những căn phòng “tối tăm”, triển lãm còn có một khu vực “sáng đèn” với những trò chơi giáo dục đòi hỏi sử dụng các giác quan và cách dùng những dụng cụ mà người khiếm thị sử dụng hằng ngày như bảng chữ nổi.

Một người hướng dẫn khiếm thị bước vào triển lãm Vô hình ở thủ đô Warsaw của Ba Lan - Ảnh: AFP
Hai du khách bịt mắt chơi trò chơi giáo dục trong căn phòng "sáng" tại triển lãm Vô 
hình ở thủ đô Warsaw của Ba Lan - Ảnh: AFP 

Bà Szumowska chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người biết rằng thế giới người khiếm thị rất đẹp và họ cũng có khiếu hài hước, cùng một cuộc sống với nhiều hoài bão và đam mê. Số phận không thể cách ly người khiếm thị ra khỏi xã hội”.

Nguồn gốc triển lãm Vô hình

Ý tưởng triển lãm Vô hình xuất phát từ Hungary, nơi một người phụ nữ tắt hết đèn trong nhà của bà vào buổi tối để hiểu và cảm nhận được cuộc sống của người chồng khiếm thị sau một tai nạn giao thông.

Sau đó, ý tưởng của bà được chuyển thành một dự án xã hội giúp mọi người hiểu về cuộc sống người khiếm thị tại thủ đô Budapest của Hungary. Ý tưởng tiếp tục lan rộng ra CH Czech, rồi đến Ba Lan.

Kể từ cuối năm 2011 đến nay, khoảng 30.000 người đến triển lãm Vô hình tại Warsaw, theo AFP.

“Lúc đầu tôi thấy hơi sợ. Tôi không biết được những gì đang diễn ra xung quanh tôi. Tôi có cảm giác bị lạc lối. Nhưng may mắn có người hướng dẫn khiếm thị giúp đỡ tôi”, một sinh viên ở Warsaw cho biết sau khi vào thăm triển lãm Vô hình.


Một du
 khách bịt mắt chơi trò chơi xếp hình trong căn phòng "sáng" tại triển lãm Vô hình ở thủ đô Warsaw của Ba Lan - Ảnh: AFP 

Những người hướng dẫn khiếm thị đều được trả lương xứng đáng, tạo ra cơ hội việc làm cho người khiếm thị vốn không có nhiều lựa chọn trong tìm kiếm việc làm.

“Đây là một công việc tốt nhất mà tôi từng làm từ trước đến nay”, ông Pawel Kozlowski, một người hướng dẫn khiếm thị cho biết.

“Như đây cũng là một công việc đầy thử thách”, theo hướng dẫn viên khiếm thị Pawel Orabczuk (31 tuổi), một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, chuyên ngành công tác xã hội và bị mù bẩm sinh.

“Chúng tôi, những người hướng dẫn khiếm thị, phải đảm bảo du khách cảm thấy ổn và an toàn khi vào thăm triển lãm Vô hình. Chúng tôi chỉ được dùng lời nói để giúp họ sử dụng các giác quan của mình bởi vì họ không thể thấy cử chỉ của chúng tôi trong bóng tối”, Orabczuk cho biết.

Orabczuk nói: “Chỉ cần một trong số 10 du khách hiểu được rằng mọi người nên xem người khiếm thị là một người bình thường, như vậy là thành công lắm rồi”.

Phúc Duy

>> Một người khiếm thị tặng gần 2,6 tỉ đồng cho sinh viên mù
>> Chàng khiếm thị “hạ gục” phó giáo sư - tiến sĩ
>> Điện thoại cho người khiếm thị
>> Nữ đầu bếp khiếm thị gốc Việt vào chung kết Vua đầu bếp Mỹ
>> Cô gái khiếm thị vào đại học
>> Luật sư khiếm thị Trung Quốc sẽ được phép đi du học
>> Chiếc nón kỳ diệu cho người khiếm thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.