Bó tay với tội phạm môi trường

02/01/2013 11:15 GMT+7

Trong năm qua, Đồng Nai phát hiện trên 300 vụ vi phạm về môi trường nhưng chưa thể xử lý hình sự được vụ việc nào.

 Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến ngày càng phức tạp.

 Nhiều xe tải chở rác thải công nghiệp đi đổ bậy
Nhiều xe tải chở rác thải công nghiệp đi đổ bậy tại xã Hóa An (TP. Biên Hòa), nhưng chỉ bị xử phạt hành chính - Ảnh: K.C

Vi phạm phổ biến

 
Ông Võ Văn Chánh-Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Để giúp các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm ngay từ đầu. Trong năm 2012, tỉnh đã đầu tư xây dựng 7 trạm quan trắc tự động, trong đó có cả những trạm di động để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước và không khí tại một số khu vực trong tỉnh. Trước đây, quan trắc về môi trường chỉ làm định kỳ, số liệu không liên tục, chưa phát hiện kịp thời ô nhiễm để đưa ra các giải pháp xử lý. Nhưng từ khi lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, các thông số về môi trường được cập nhật thường xuyên nên việc phát hiện, xử lý các ô nhiễm nhanh hơn. Điều này, sẽ giúp cơ quan công an có thêm chứng cứ để xử lý. Đồng thời, những cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm cũng được thông tin nhanh cho cộng đồng để cùng có giải pháp ứng phó hiệu quả”

Theo thống kê của Công an tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay trên địa bàn phát hiện trên 300 vụ việc vi phạm về môi trường. Trong đó, nổi lên là việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ở các cơ sở sản xuất công nghiệp; vận chuyển, chôn lấp chất thải chưa qua xử lý không đúng quy định; một số doanh nghiệp (DN) có chức năng xử lý chất thải nguy hại nhưng không làm đúng quy trình mà đem chôn lấp, đổ bậy... Ngoài ra, các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở một số KCN trên địa bàn hiện nay chỉ đạt trên 60% công suất, số nước thải còn lại xả trực tiếp ra môi trường. Chưa hết, dù KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng việc đấu nối vào hệ thống không phải DN nào cũng chấp hành.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Đồng Nai cho biết: “Hiện nay hầu như các DN đấu nối hoặc ký kết để dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý. Tuy nhiên vì lợi nhuận cũng như chi phí cao nên không ít DN không xử lý cục bộ để đạt quy chuẩn đấu nối dẫn về nhà máy xử lý nước thải tập trung mà thường có hành vi lợi dụng đêm tối mưa xả lén lút ra môi trường”

Chủ yếu xử phạt hành chính

Ông Hoàng Văn Thống – Chánh thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết, hầu hết các vụ vi phạm về môi trường đều bị thanh tra xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Cụ thể trong năm 2012, Thanh tra Sở TN-MT đã xử phạt tổng cộng 3,1 tỉ đồng tiền xử lý vi phạm hành chính về môi trường. “Đối với những đơn vị này nếu như vi phạm lần đầu chúng tôi áp dụng phạt nhẹ hoặc trung bình, nếu nặng thì bị tạm đình chỉ để khắc phục” – ông Thống nói.

Theo Sở TN-MT, dù trong năm qua đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự mà chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính. “Nguyên nhân do các văn bản pháp luật còn nhiều bất cập. Một số quy định về tội phạm môi trường chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là sự thiếu thống nhất trong việc xác định rõ ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự, cũng như phân loại mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng các chế tài cho hợp lý, chính xác”, một lãnh đạo Sở TN-MT Đồng Nai cho biết.

Kim Cương

>> Phạt hai doanh nghiệp vi phạm môi trường
>> Xử lý nghiêm tội phá hoại môi trường
>> Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.