(TNO) Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã ngang nhiên tổ chức cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Cuộc tập trận trên đảo Quang Hòa hôm 2.1 diễn ra cùng lúc với các cuộc tập trận ở Thẩm Dương và Tế Nam, với mục tiêu tăng cường năng lực và sự tỉnh táo chiến đấu của các binh sĩ, theo tờ PLA Daily.
Theo tờ báo, các binh sĩ thuộc hạm đội Nam Hải đang chiếm đóng phi pháp đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được đánh thức bằng chuông báo động không kích vang lên từ sân bay của hòn đảo vào lúc 4 giờ 30 phút. Họ nhanh chóng lên các tàu chiến sau đó một vài phút.
Tờ báo của quân đội Trung Quốc nói rằng do đảo Quang Hòa là một hòn đảo có vị trí chiến lược tại Hoàng Sa, nên quân đồn trú tại đây được huấn luyện để luôn cảnh giác trong mọi lúc, đặc biệt trong các ngày lễ hội.
Tờ PLA Daily dẫn lời các sĩ quan cho biết, họ đã triển khai thêm nhiều binh sĩ tuần tra tại đây.
Trong cùng ngày 2.1, các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu, gồm phòng không, chống khủng bố, duyệt binh khẩn cấp và chiến đấu, đã diễn ra tại Thẩm Dương - thủ phủ tỉnh Liêu Ninh và Tế Nam - thủ phủ tỉnh Sơn Đông, theo tờ PLA Daily.
Ngoài ra, các cuộc tập trận cũng diễn ra tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang vào ngày đầu năm mới.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn tin từ hãng Tân Văn xã tiết lộ lực lượng lính thủy đánh bộ thuộc hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa mới tiến hành cuộc tập trận tấn công đổ bộ tại căn cứ ở thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, vào ngày 23.12.2012.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Nghê Lạc Hùng, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu chính sách quốc phòng thuộc Trường đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, nhận xét các cuộc tập trận nhằm cải thiện năng lực ứng phó với các cuộc tấn công quân sự bất ngờ, đặc biệt là từ phía quân đội Nhật, vốn nổi tiếng với các cuộc tập kích đột ngột hồi Thế chiến thứ hai.
“Toàn bộ các cuộc tập trận diễn ra tại các thành phố dọc biển Đông hoặc biển Hoa Đông, nơi các tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết. Trong số các đối thủ, Nhật là nước cần phải đề phòng nhiều nhất bởi họ nổi tiếng với cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng vào năm 1941”, ông Nghê nói.
Sơn Duân
>> Trung Quốc mở đường trái phép ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc lại hoạt động trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa
>> Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trái phép hạ tầng ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc đẩy mạnh du lịch phi pháp ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc làm lễ phi pháp ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trái phép ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa
Bình luận (0)