|
Cây “xóa đói, giảm nghèo”
Anh Nguyễn Văn Phước (ngụ ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, H.Châu Thành) phấn khởi cho biết từ ngày trồng cây thanh long trái vụ bằng hình thức xông đèn đến nay, kinh tế gia đình anh ngày một đi lên. Trước đây, khi chưa trồng thanh long, anh Phước sử dụng 2 công đất của mình để trồng lúa. Nhưng với diện tích đất ít ỏi, vợ chồng anh có chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống vẫn không khá hơn. Thấy bà con trồng cây thanh long có lãi, anh cũng lên liếp 2 công ruộng và mua giống thanh long về trồng. Ngay từ vụ đầu, anh đã thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long vượt xa so với cây lúa. Ăn nên làm ra, anh tiếp tục mua thêm 3 công đất gần nhà để mở rộng diện tích trồng thanh long. Đến nay, mỗi năm, cây thanh long đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ hộ anh Phước, nhiều hộ dân khác ở H.Châu Thành cũng thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá nhờ cây thanh long. Gia đình bà Trần Thị Yến (ngụ ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội) cũng là một trong những hộ dân có ruộng đất ít. Bà Yến cho biết: “Gia đình tui tới 5 miệng ăn mà chỉ sống dựa vào 3 công ruộng nên năm nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ khi xã vận động chuyển đổi cây trồng, tui quyết “liều” một phen, chuyển đất ruộng sang trồng thanh long”. Tiền mua cây giống thanh long ban đầu do UBND xã đứng ra giới thiệu vay ngân hàng. Sau gần 8 năm, cây thanh long không phụ lòng người, đã mang lại cho gia đình bà cuộc sống khá giả. Hiện nay, bà Yến trồng 2 công thanh long ruột trắng và thêm 1 công thanh long ruột đỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Tới, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội, toàn xã hiện có 240 hộ trồng thanh long với tổng diện tích 308 ha. Chính nhờ loại cây ăn quả này mà tỷ lệ hộ khá giàu của xã đã tăng lên hơn 90% trong năm 2011.Thu nhập bình quân đầu người của xã là 25 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, xã đang tiến tới trở thành vùng chuyên canh thanh long.
Xây dựng vùng chuyên canh
Ông Nguyễn Văn Thình, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành cho biết: “Cây thanh long đã xuất hiện ở vùng đất này từ khá lâu. Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ nghĩ đây là cây ăn trái thông thường, chứ chưa xem nó là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến khi thị trường có nhu cầu, cây thanh long mới được người dân Châu Thành chú ý”.
Hiện nay, việc trồng thanh long ở H.Châu Thành đang từng bước được chuyên nghiệp hóa. HTX thanh long Tầm Vu là một mô hình thành công điển hình ở H.Châu Thành. Được thành lập từ năm 2008, HTX hiện có hơn 70 xã viên với diện tích sản xuất 60 ha. Mỗi năm, HTX tiêu thụ trên 3.000 tấn thanh long và phần lớn giao cho các mối hàng ở Bình Thuận, Bình Dương để xuất khẩu. Nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào trồng cây thanh long.
“Từ khi tham gia HTX thanh long Tầm Vu, gia đình tôi trồng 5 công thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó đầu ra cho sản phẩm dễ dàng hơn so với trước đây và giá cả cũng ổn định”, bà Lê Thị Kim (ngụ thị trấn Tầm Vu) phấn khởi nói. Theo Trương Quang An, Chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu, từ khi thành lập HTX, ông đã tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho xã viên, nhất là áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất thanh long. Qua các chương trình này, người dân được hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong tương lai, H.Châu Thành sẽ mở rộng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, từ 100 ha lên 500 ha, đồng thời giữ vững diện tích 30 ha đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết hiện tại, diện tích trồng thanh long của toàn H.Châu Thành là 1.200 ha. Theo quy hoạch, Châu Thành sẽ mở rộng diện tích thanh long lên 1.500 ha, tập trung ở vùng trung tâm huyện gồm: thị trấn Tầm Vu, các xã Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long; đồng thời hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây thanh long để xuất khẩu.
Công Hân
Bình luận (0)