Ấy vậy mà Tổng cục Du lịch (TCDL) vẫn cố gắng "làm đẹp" các con số để cán đích vượt cả 3 chỉ tiêu doanh thu, lượng khách quốc tế và khách nội địa. Trong khi sự thật không thể chối bỏ là cho đến tận lúc này, câu hỏi khách đến Việt Nam ngoài việc đi thăm quan thì chơi thế nào, giải trí ở đâu, mua gì làm quà lưu niệm... vẫn hoàn toàn bế tắc. Điều này dẫn đến chi tiêu của du khách tại thị trường nội địa rất khiêm tốn so với các nước láng giềng. Rồi những tệ nạn như hàng rong chèo kéo; nhà vệ sinh vừa thiếu vừa dơ; sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết trong chuỗi hoạt động liên quan đến du lịch khiến rất nhiều khách quốc tế một đi không trở lại. Đó là chưa kể, riêng năm 2012, cũng như các ngành khác khi đối mặt với khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, các công ty lữ hành cũng rơi vào tình trạng sụt giảm doanh thu, nhiều công ty đóng cửa, thu hẹp hoạt động, cố gắng cầm cự qua ngày... Với hiện trạng này thì những con số vượt chỉ tiêu mà TCDL đưa ra đã tự nói lên sự thiếu trung thực của chính mình.
Thực ra, chuyện kết quả năm nay "sống chết" phải cao hơn năm trước và thấp hơn năm sau... không có gì mới. Việc TCDL mập mờ con số bằng cách gộp cả khách tới VN làm ăn, thăm thân nhân thành khách du lịch để lấy thành tích cũng cũ mèm. Còn nhớ năm 2011, vấn đề này cũng đã được truyền thông phân tích rất cụ thể, rõ ràng nhưng qua tới năm nay, mọi chuyện vẫn vậy. Thế mới thấy, bệnh thành tích đã ăn sâu vào máu, vào tư duy của nhiều ngành, nhiều cấp và không dễ gì bỏ được. Đáng lo ngại hơn là các chỉ tiêu, kinh phí, kế hoạch ngắn hạn - dài hạn cũng như chiến lược phát triển của ngành du lịch nếu được xây dựng trên những con số sai lệch nói trên, không những không đạt hiệu quả mà còn khiến bức tranh ngành du lịch trở nên méo mó.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển như vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và lịch sử... nhưng bao năm qua, ngoài việc khai thác vốn tự có, ngành du lịch hầu như chưa làm được gì để biến lợi thế thành cơ hội bứt phá. Thậm chí, so với các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Campuchia... chúng ta đã thụt lùi. Nếu vẫn không nhìn thẳng vào sự thật, nếu vẫn nặng bệnh thành tích thế này thì chắc chắn, sẽ không bao giờ có một ngành kinh tế mũi nhọn mang tên du lịch VN như kỳ vọng của chúng ta lâu nay.
Nguyên Khanh
>> Du lịch có khả quan như báo cáo?
Bình luận (0)