Về điều này, ông Hồ Trí Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức -Cán bộ, cho biết 3 lý do để đi tới quy định trên. Thứ nhất, lắp kính trên nắp quan tài không phải là truyền thống. Loại quan tài này mới chỉ xuất hiện khoảng chục năm nay thôi. Thứ hai, việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ. Vì thế, theo ông Hùng, có người chỉ lướt qua quan tài mà không nhìn trực tiếp. Cuối cùng, việc lắp kính này nếu không khéo có thể gây đổ vỡ rơi xuống người đã mất.
Tuy nhiên, một tiến sĩ nhân học đề nghị không nêu tên lại không đồng ý với những lý do trên. Ông cho rằng việc sử dụng kính có mục đích riêng. Bản thân việc được sử dụng hàng chục năm nay đã biến đây trở thành truyền thống. “Sao lại dùng biện pháp hành chính để cấm đoán thực hành văn hóa của người ta trong khi nó chẳng ảnh hưởng đến ai cả? Nếu không làm ô kính, người ta sẽ không đóng ván thiên mà để nguyên quan tài mở thì sao”, nhà nghiên cứu này cho biết.
PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng không nên có quy định quá cụ thể như vậy. Việc sử dụng quan tài có kính, theo ông phụ thuộc phong tục tập quán từng nơi, từng gia đình. “Không nên sợ mất vệ sinh vì nếu có bệnh truyền nhiễm đã có bên y tế lo. Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người ta sẽ lo. Chính sách chỉ nên can thiệp sao cho tiết kiệm và tránh ô nhiễm thôi”.
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia lại lấy ví dụ về đám tang ở Nga ông từng dự để chứng minh quy định trên chưa hợp lý. “Tấm kính là chuyện của gia đình, để bạn bè thân thiết nhìn. Tôi từng dự một số đám tang người Nga, người ta còn đến hôn lên trán người đã chết. Nên quy định những điều thiết thực hơn”.
Cũng tại nghị định mới, cũng có quy định không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang, không đốt đồ mã tại nơi an táng. Nghị định cũng quy định về việc sử dụng vòng hoa luân phiên để tiết kiệm.
Trinh Nguyễn
>> Tổ chức lễ tang cấp Nhà nước cho nhà báo Hồng Hà
Bình luận (0)