Người Việt ở Pháp đón Tết Tây

06/01/2013 10:40 GMT+7

Tết ở Tây phương có lẽ không náo nhiệt và kéo dài như ở Việt Nam, nhưng cũng không thiếu những sắc thái đặc thù của riêng từng quốc gia. Đặc biệt tại Pháp, một nơi nổi tiếng với những đầu bếp đẳng cấp thế giới, với những món ăn, thức uống cầu kỳ.

Sang một chương mới

Không có bánh tét, bánh chưng, không thịt kho, dưa giá, không mai vàng, pháo đỏ và không cả lì xì mừng tuổi suốt ba ngày, Tết ở Pháp nói riêng và ở Âu châu nói chung là khoảng thời gian chuyển mùa ngắn gọn, như thể người ta chỉ lật sang một chương của quyển sách, thở nhẹ một hơi và lại tiếp tục sang một chương mới.

Nói thế, không có nghĩa là Âu châu thiếu những phong tục đặc thù của mỗi quốc gia: Việt Nam không quét nhà trong 3 ngày Tết vì sợ sẽ quét hết tiền ra cửa cả năm. Ở Anh, người ta viết 3 điều ước trên một mảnh giấy rồi đợi đến 12 giờ đêm, đốt mảnh giấy đó thành tro và hoà vào champagne để uống, tin rằng các điều ước ấy sẽ thành hiện thực. Người Pháp thì treo một boule de gui (những nhành cây tầm gửi được vòng như một quả bóng) trên trần nhà, đến giao thừa mọi người hôn nhau dưới vòng cây tầm gửi như dấu hiệu của tình hữu nghị và thiện chí, có nơi còn tin rằng sẽ gặp may mắn trong tình yêu.

Thực đơn đêm giao thừa của Tây khá cầu kỳ, có rất nhiều món, mỗi món được uống với một thứ rượu khác nhau. Bữa ăn đêm giao thừa thường gồm 6-7 món,bắt đầu bằng món khai vị như gan ngỗng, cá hồi xông khói, ốc nhồi, xúc xích trắng. Sau đó là món chính, người Pháp thường ăn thịt gà tây, heo rừng, nai và cả thịt kangouroo, nói chung họ ăn những thứ thịt lạ mà ngày thường ít dùng. Tráng miệng thì có bánh ngọt, salde de fruit (salad trái cây), chocolat. Về thức uống thì thịt gà vịt được uống với rượu trắng, còn các thứ thịt đỏ như bò, nai… thì uống với rượu đỏ. Riêng champagne thì có thể uống suốt buổi tiệc.

 
Đại lộ Champ Elysée những ngày cuối năm 2012

 
Pháo hoa chào năm mới ở tháp Effel

Đêm dành cho bạn bè

Tại Pháp, nếu Giáng sinh là buổi tiệc của gia đình thì giao thừa là đêm dành cho bạn bè. Ở vùng quê thì họ tụ họp ở nhà một người bạn nào đó cùng nhau ăn uống đến sáng. Ở các thành phố lớn thì họ hẹn nhau ở một nhà hàng hay một căn-tin lớn. Sáng mùng 1 là ngày để ngủ trưa, dưỡng sức sau những ngày mệt mỏi vì tiệc tùng.

Ở Pháp hơn 30 năm, chị Minh ghi nhận: “Tây có 2 cái khác nhau: Đêm Noel là đêm của famille (gia đình) nên ăn nhiều, Tết Tây là Tết của bạn bè nên ăn cũng rất nhiều. Thường thường tết Tây tổ chức ở những nhà hàng có khiêu vũ như Lido hay Moulin Rouge, đối với Tây thì đó là dịp để họ ăn uống, nhảy đầm náo loạn.Họ tập trung vô hết Saint Sylvestre (giao thừa) rồi sau đó mùng 2 đi làm là hết tết. Họ không kéo dài 2-3 ngày hay cả tuần như dân Việt Nam mình”.

Thực đơn giao thừa của người Việt tại Pháp cũng là một sự hội nhập thú vị: Trên bàn tiệc, bên cạnh gan ngỗng, cá hồi còn có chả giò, xôi gấc, heo quay, món ốc nhồi của Tây thay vì được ướp với bơsẽ được chấm với nước mắm gừng. Phần tráng miệng thay vì bánh bouche de Noel, chocolat thì có chè, có nhãn, bánh chuối... Văn hoá ẩm thực của xứ người được phong phú hoá bằng hương vị Á đông, Tây - Việt đề huề.

Nhưng không phải ai cũng thích thức ăn Tây. Có người cũng quay về với thói quen ẩm thực muôn đời của mình: “Có những gia đình Việt Nam không thích ăn đồ Tây trong đêm giao thừa vì họ nói rằng họ đã ăn đồ Tây trong đêm Noel, nên họ chỉ thích ăn đồ Tàu”.

Vui chơi thỏa thích

Ngày mồng 1 đối với Tây phương không quan trọng mà đêm giao thừa mới là đêm vui chơi thỏa thích. Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong năm mang tên của một vị thánh. Đêm 31.12 được mang tên của Thánh Saint Sylvestre. Vào đêm Saint Sylvestre, mọi người tụ họp ăn uống cùng bạn bè, đợi đúng 12 giờ đêm thì mở champagne và ôm hôn nhau, chúc nhau “bonne année” - một năm mới may mắn. Hàng triệu tin nhắn được gửi cho người thân ở xa qua điện thoại, email thay cho tấm thiệp chúc Tết nay đã lùi vào quá khứ.

Tại Paris, hàng trăm ngàn thanh niên chọn đại lộ Champ Elysée hay tháp Eiffel làm đón mừng năm mới: “Những người trẻ thì hay đi Champ Elysée hoặc đi tour Effel hoặc Place de la Concorde… Tháp Effel thì 1 trong 2 năm có feu dartifice (pháo bông) rất đẹp. Ở Champ Elysée thì có cái truyền hình lớn, cùng nhau décompte (đếm ngược), hét một lượt với nhau, cũng vui lắm. 10,9,8,7,6,5,4,3,2,1… Sau đó là pháo bông thì mỗi người uống champagne, hôn nhau chúc năm mới, ai cũng ôm nhau, ngay cả những người không quen cũng ôm mình để chúc giao thừa”.

Ngày đầu một năm, mà Việt Nam chúng ta gọi là Tết, là thời điểm mọi người dừng lại trên con dốc thời gian để nhìn lại một chặng đường đã qua, kết toán những vui, buồn, thành công, thất bại trong năm và cùng mong ước những điều tốt đẹp cho chặng đường trước mặt.

Theo Tường An \ Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.