Trung Nghĩa còn khá trẻ (sinh năm 1980), là một nghệ sĩ guitar đồng thời là họa sĩ (tốt nghiệp Khoa Nội thất ĐH Kiến trúc TP.HCM). Từ nhỏ, chất cao nguyên - hoang dã và hùng vĩ của nơi anh được sinh ra (Buôn Ma Thuột) - đã ngấm vào anh. Cho nên, dù có về TP.HCM học hành hoặc rong chơi với bạn bè thì thẳm sâu trong tâm hồn anh vẫn nghe “tiếng gọi nơi hoang dã” đau đáu gọi về.
|
Trung Nghĩa đã bỏ ra gần 2 năm để thử nghiệm một cách vẽ mới (tạm gọi là kiểu vẽ “khói lửa” - NV), xuất phát từ kỹ thuật vẽ bút lửa (pyroraphy - thường vẽ trên gỗ thông làm quà lưu niệm) kết hợp với hơ giấy vẽ trên đèn dầu để lấy muội khói đậm, nhạt và dùng chất gây cháy (thuốc pháo) rải lên những vị trí theo chủ ý rồi… đốt, tạo thành những vệt, đốm loang lổ trên giấy vẽ. Công việc đòi hỏi phải thật khéo léo để không làm thủng giấy… Và rồi trên giấy vẽ của Trung Nghĩa cứ thế xuất hiện những con vật kỳ bí của rừng xanh núi thẳm: báo, voi, tê giác, sao la… tất cả đều sống động một cách kỳ lạ.
Trung Nghĩa kể rằng nếu không có sự động viên của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên âm nhạc Đại học Quốc gia Úc) thì có lẽ niềm đam mê sáng tác của anh đã nguội lạnh vì nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề sức khỏe bởi mỗi lần “sáng tác” là căn phòng nhỏ của anh ngập trong khói khiến anh sặc sụa. Khói tan, nhìn lại thành quả thì bức tranh bị hỏng hoặc không vừa ý, phải làm lại nhiều khi không phải một lần… Khi hoàn thành được một tác phẩm tâm đắc, Trung Nghĩa chụp hình lại ngay và gửi email sang Úc. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên nhận ra khả năng tiềm tàng của “thằng em” nên hết lòng khuyến khích Trung Nghĩa tiếp tục sáng tác.
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên chuyên chơi guitar. Ông nghiên cứu và phát triển ra kỹ thuật Đồng song âm họa ba ngắt (tương đương kỹ thuật hát “song thanh” của GS-TS Trần Quang Hải). Ông Tuyên có một ông bạn người Mỹ gốc Ấn Độ là Salil Sachdev (giảng viên âm nhạc ĐH Bridgewater, Mỹ). Salil Sachdev chuyên nghiên cứu và biểu diễn nhạc cụ bộ gõ, trong đó có “hang” (một loại trống của Ấn Độ, bằng đồng, hình giống như đĩa bay). “Hang” được đánh bằng tay, âm thanh như tiếng cồng chiêng của Việt Nam. Và thế là họ lập ra nhóm song tấu “GuiHANGtar”. Ông Tuyên rủ ông Salil về Việt Nam thăm Nghĩa.
Ông Salil nói: “Vừa bước vào nhà Trung Nghĩa, tôi đã rất sửng sốt và bị những bức tranh của Nghĩa thôi miên”. Và rồi qua một cuộc hội ý chớp nhoáng, họ quyết định về TP.HCM làm một cuộc biểu diễn - triển lãm kết hợp giữa tranh và nhạc trong vòng ba ngày từ 4 đến 6.1.2013.
Hà Đình Nguyên
>> Triển lãm tranh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không
>> Triển lãm tranh của trẻ em đường phố VN tại Paris
>> Triển lãm tranh từ đất liền ra biển đảo
>> Triển lãm tranh in đá của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm
>> Triển lãm tranh vẽ trên mặt nước
Bình luận (0)