Trong khi đó, sau ba đợt mai nở hoa vì mưa trái vụ và thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, các nhà vườn cho biết nguồn cung cấp mai ra thị trường sẽ không giảm so với năm trước nhưng chất lượng hoa sẽ thấp hơn.
Mua cả vườn
Những ngày này tại vùng trồng lan trọng điểm của TP.HCM là huyện Củ Chi, các thương lái từ nhiều nơi đã có mặt để chọn những vườn lan ưng ý. Nếu thỏa thuận được với chủ vườn, thương lái có thể mua nguyên cả vườn hoa.
Anh Nguyễn Tuấn Thịnh, một thương lái lan tại TP.HCM chuyên đánh hàng ra Bắc, cho biết vừa đặt mua nguyên vườn lan tết của một hộ dân ở xã Tân Thông Hội. “Trước mắt tôi đang chuẩn bị chuyến hàng gồm 1.000 cây mokara cho một khách hàng Hà Nội. Ngoài ra còn một số khách hàng Hà Nội và Hải Phòng cũng đặt từ trước, chỉ đợi ngày chuyển ra” - anh Thịnh nói. Theo anh Thịnh, mấy năm gần đây năm nào ở TP.HCM cũng sốt các loại lan dendro và mokara nên năm nay anh đi sớm, thấy vườn nào ưng ý là thỏa thuận với chủ vườn mua ngay chứ không đợi đến sát ngày.
|
Một thương lái tại thị trấn Củ Chi cho biết hiện ông đã thỏa thuận với hai nhà vườn để bao tiêu toàn bộ số lan đưa ra trong dịp tết này để phân phối tại địa bàn thành phố cũng như đưa ra các tỉnh phía Bắc. “Năm nay nguồn cung lan mokara vẫn dồi dào nhưng lan dendro thì thiếu hụt do dịch ruồi vàng làm hỏng hoa thời gian qua” - vị thương lái này cho biết.
Trong khi các thương lái tỏ ra khá sốt sắng đến tận vườn để mua lan thì bản thân các nhà vườn lại khá đủng đỉnh khi bán hàng dù diện tích vườn lan của đa số nhà vườn đều tăng so với năm ngoái. Ông Phan Văn Thắng (xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi) trồng 4.000m2 lan mokara cho biết từ mấy ngày qua đã có thương lái đến xem lan và đặt vấn đề mua nhưng ông chưa quyết định vì đang nghe ngóng tình hình từ các vườn khác để có mức giá cụ thể. “Phải 10 ngày nữa mới vào cao điểm mua hoa của các thương lái, giờ bán ra có nguy cơ bị hớ” - ông Thắng cho biết.
Theo ông Phạm Anh Dũng, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, diện tích trồng lan của Củ Chi năm nay tăng 20ha so với năm ngoái, nâng tổng diện tích trồng lan của toàn huyện lên 130ha và đang tiếp tục tăng nhanh do các nhà vườn mở rộng quy mô cũng như nhiều người đầu tư vườn mới. Do nhu cầu chơi lan tết ngày càng trở nên phổ biến so với cây mai nên cung không đáp ứng đủ cầu dù diện tích trồng lan liên tục tăng nhanh, không chỉ ở Củ Chi mà còn tại các quận huyện ngoại thành khác như Hóc Môn, Nhà Bè, quận 9, Thủ Đức...
“Năm nay lan hút hàng một phần do lan dendro bị mất mùa, nhưng phần lớn là do nhu cầu tiêu thụ tăng không chỉ của người dân TP.HCM mà còn ở các tỉnh khác. Do đó giá các loại lan cũng dự kiến tăng 20-30% so với tết năm ngoái. Trong đó, lan dendro sẽ có giá 60.000-70.000 đồng/cây, trong khi lan mokara bán tại vườn giá 200.000-300.000 đồng/cây có hai giò hoa” - ông Dũng nhận định.
Mai: “muôn sự tại trời”
Ngược lại với không khí tấp nập ở các vườn lan, không khí tại các vườn mai năm nay khá trầm lắng. Các chủ vườn mai “rầu thúi ruột” bởi chỉ trong vòng hai tháng qua đã có ba đợt mưa trái mùa khiến mai nở một phần. Mấy ngày nay lại có tin cơn bão số 1 ảnh hưởng phía Nam, không có mưa cũng làm nhiệt độ giảm đột ngột lại kích thích mai nở thêm dù chưa đến ngày tuốt lá.
Ông Trần Ngọc Quyền, ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), đang chở mai ra tập kết ven đường Kha Vạn Cân để bán tết, cho biết vườn mai của ông có trên 1.000 gốc nhưng tết này chỉ chọn đưa ra bán 200-300 cây. “Mọi năm trước thời điểm tuốt lá thì mai chỉ nở 1-2 đợt thôi, nhưng năm nay đến thời điểm này đã nở ba đợt rồi. Lại đang có ảnh hưởng của cơn bão số 1 nữa nên chưa biết thế nào. Nếu mưa nhiều thì mai lại nở và đến tết hoa sẽ ít hơn” - anh Quyền lo lắng cho biết.
Còn anh Trần Minh Đức, quản lý vườn mai An Hòa (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức), cho rằng nếu từ nay đến tết mà còn mưa là mai sẽ nở hết, tết đến không có hoa để chơi. Anh Đức cho biết đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một số khách hàng là công ty đến đặt cọc để thuê mai (loại cổ thụ và bonsai) về chưng tết chứ chưa có thương lái đến hỏi mua mai. Giá cho thuê mai năm nay tăng 5-10% so với năm ngoái, loại mai bonsai thấp nhất khoảng 3 triệu đồng/cây, còn mai cổ thụ hiếm hơn nên giá thuê có thể lên đến 30 triệu đồng.
Địa lan Đà Lạt mất mùa Thời điểm này các chủ vườn địa lan tại Đà Lạt như ngồi trên chảo lửa. Địa lan mất mùa, trong khi các đơn hàng cung cấp hoa tết đã ký với đối tác tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung từ trước đó rất lâu, không thể thay đổi. Theo thông tin từ Phòng kinh tế (UBND TP Đà Lạt), dự kiến năm nay Đà Lạt sẽ cung cấp cho thị trường hoa tết khoảng 20.000 chậu địa lan, bằng số lượng trong dịp tết năm ngoái. Tuy nhiên, các chủ vườn lan đều khẳng định chỉ có thể đảm bảo được 30% số lượng. Nguyên nhân chủ yếu do một lượng lớn địa lan đã nở hoa sớm và bắt đầu tàn, số khác không có dấu hiệu ra hoa. Tại vườn lan Ngọc Ẩn, chủ vườn Đỗ Văn Ẩn cho hay năm nay nhuận cộng với thời tiết quá khắc nghiệt nên nhà vườn canh thời gian cho địa lan ra hoa không chính xác. Theo ông, địa lan cung cấp cho thị trường tết có đặc điểm là phải bán chậu, lượng hoa trong chậu nở càng nhiều thì bán càng có giá. Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt chậu đã nở hoa nên ông đành phải cắt cành bán với giá chỉ bằng 5% giá bán chậu. Đau nhất là giống địa lan quý hoàng hậu, nếu bán chậu có thể hơn 10 triệu đồng/chậu vào ngày tết, nhưng hiện tại phải bấm bụng chiết cành bán với giá 70.000 đồng/nhánh (một chậu 5-7 nhánh). Theo ông Ẩn, các nhà vườn vệ tinh của ông cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn địa lan Anh Quỳnh (đường Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt), coi như cầm chắc một mùa địa lan thất thu. 6.000m2 trồng kín các giống địa lan Nhật Bản, Úc... của ông toàn lá, lưa thưa vài chậu bắt đầu trổ hoa. Mai Vinh |
Theo Trần Mạnh \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)