Đội tàu cá thế hệ mới

10/01/2013 09:48 GMT+7

Một thế hệ tàu cá mới của ngư dân Đà Nẵng đang lớn mạnh với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, làm ăn lớn và quyết bám biển dài ngày hơn.

Tàu lớn vươn khơi

 

“Muốn ra khơi xa phải có tàu lớn, đi có đôi có đoàn mới mạnh được. Vậy mới không sợ đội tàu nước ngoài giành ngư trường, không ngại biển động mới bám biển dài ngày, hiệu quả cao hơn” - Ngư dân Lê Văn Ninh tâm sự.

Vừa nhận giải thưởng Lương Định Của với tư cách là ngư dân duy nhất của TP.Đà Nẵng ở Festival vinh danh 300 nhà nông trẻ toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa, Lê Văn Sang (27 tuổi, trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) cho biết tin vui lại đến khi UBND TP.Đà Nẵng đồng ý hỗ trợ 800 triệu đồng cho tàu cá ĐNa 90444, nhận trong 2 năm 2012 và 2013. Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tư nhân lớn nhất cả nước hiện nay với công suất máy 1.160CV, từ khi hạ thủy vào tháng 5 vừa qua đến nay đã giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng. Mỗi chuyến biển, Sang thu mua khoảng 30 tấn hải sản, cung ứng lại cho tàu bạn 5.000 lít dầu, 2.000 cây đá giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn. “Tàu ĐNa 90444 đầu tư gần 4 tỉ đồng, mình tính toán sau 3 năm sẽ thu hồi vốn, khi nhận được tiền hỗ trợ đợt 1 của thành phố vào cuối năm này mình sẽ mua thêm một xe tải đông lạnh để giao hàng ngoại tỉnh, đến 2014 tiếp tục xin hỗ trợ nguồn vay đóng thêm tàu hậu cần cỡ 1.000 CV” - Sang nói.

Cũng như Sang, chủ tàu Lê Thị Huệ (P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê) hạ thủy tàu lưới vây đóng mới ĐNa 90422 605CV hồi tháng 2 cũng vừa nhận được quyết định hỗ trợ 600 triệu đồng, hiện bà Huệ đang đóng thêm tàu cá 880 CV, tàu lưới vây lớn nhất thành phố tại HTX Trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An. Gần đó, bà Huỳnh Thị Như Hoa (P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) cũng đang đóng mới tàu lưới vây trên 600 CV khác.

Theo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, trong số 9 tàu công suất lớn hạ thủy từ đầu năm đến nay, UBND TP.Đà Nẵng quyết định hỗ trợ 5 tàu với 3,2 tỉ đồng. Nhiều ngư dân tâm sự, chủ trương hỗ trợ từ 500 triệu đến 800 triệu đồng đối với tàu đóng mới (tùy thuộc vào công suất) giúp ngư dân phấn khởi bám biển. Trước quy định hỗ trợ tiền chia làm 2 đợt: 50% sau khi tàu hoạt động và 50% còn lại nhận sau đó 1 năm, ngư dân mong muốn được chi theo tiến độ đóng tàu bởi kéo dài việc hỗ trợ thêm ngày nào thì họ càng trả lãi vay thêm ngày đó.

“Làm trước, xin sau”

Không đợi tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Thân (P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) đã vay ngân hàng 600 triệu đồng, thế chấp bằng chính con tàu 750CV đang hoàn thiện tại triền đà Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech, trị giá hơn 3 tỉ đồng cho kịp hạ thủy vào cuối năm, đón tết giữa biển. Còn ngư dân Lê Văn Ninh và Trần Tiến Hùng (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) cùng góp vốn, vay ngân hàng gần 3 tỉ đồng đóng mới tàu lưới vây 620CV ở triền đà Lý Cư. Ngoài ra, ông Ninh cũng nâng cấp con tàu hiện có từ 150 CV lên 600 CV để đội tàu 2 chiếc của gia đình cùng vươn khơi.

Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho biết vừa giải ngân cho 5 chủ tàu đóng, nâng cấp tàu công suất lớn với số tiền gần 3 tỉ đồng. Trái ngược với cảnh nằm bờ những năm trước, hiện tình hình đóng mới tàu cá tại các triền đà âu thuyền Thọ Quang rất sôi động và khẩn trương. Ngoài 4 chiếc đang hoàn thiện, 11 chủ tàu khác cũng đã đăng ký đóng mới tàu lớn và đang chờ UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt hỗ trợ khoảng 7,2 tỉ đồng.

Đội tàu cá thế hệ mới
Tàu lưới vây lớn nhất TP.Đà Nẵng công suất 880CV của Lê Thị Huệ đang đóng tại triền đà Bắc Mỹ An - Ảnh: Nguyễn Tú

Tăng chất lượng hải sản

Không chỉ hỗ trợ vốn, UBND TP.Đà Nẵng còn khuyến khích ngư dân đầu tư trang thiết bị hiện đại để tăng hiệu quả đánh bắt. Kết quả thực hiện thí điểm đầu tư 180 triệu đồng cải hoán hầm bảo quản bằng vật liệu polyurethane (PU) trên tàu cá Lê Văn Sang và Huỳnh Viết (P.An Hải Tây) cho thấy hiệu quả đặc biệt tốt và tiết kiệm đối với nghề rê cản.

Hầm PU làm nhiệt độ hầm thấp hơn, giữ độ tươi lâu, chất lượng hải sản ít biến đổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá bán hải sản lên 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg. Ngư dân Huỳnh Viết cho biết bình quân mỗi chuyến biển 10-15 ngày tiết kiệm hơn 100 cây đá, hải sản kém chất lượng trước đây 5-6 tạ/chuyến giờ chỉ còn dưới 1 tạ, lợi nhuận tăng thêm từ hầm PU khoảng 20 triệu đồng, tương đương tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Được biết sắp đến, Sở NN-PTNT cũng sẽ triển khai lắp đặt thiết bị vệ tinh cho 45 tàu cá theo dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” được tài trợ từ nguồn vốn ODA của Pháp. Trước đó, 4 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, tích hợp thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu GPS (VX 1700, 28 triệu đồng/máy) cũng đã được lắp thí điểm cho 4 tàu.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.