Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các trẻ tử vong và tai biến nặng sau tiêm Quinvaxem đều không có bất thường về sức khỏe, không có phản ứng bất thường về mũi tiêm lần đầu (với loại vắc xin khác). Điều tra khẳng định không có bằng chứng cho thấy phản ứng sau tiêm do sai sót quy trình bảo quản, vận chuyển vắc xin và dịch vụ tiêm chủng. “Vì vậy, dù chưa có bằng chứng đầy đủ về liên quan giữa phản ứng nặng sau tiêm chủng với chất lượng vắc xin nhưng cũng chưa thể loại trừ nguyên nhân này”, ông Bình nhận định.
Liên quan đến chất lượng của vắc xin Quinvaxem, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng quốc gia cho biết, vắc xin này hiện không còn dùng tại Hàn Quốc vì đây là vắc xin thế hệ cũ (sử dụng thành phần ho gà toàn tế bào), Hàn Quốc cũng như các quốc gia có điều kiện tài chính đã thay thế vắc xin này bằng vắc xin thế hệ mới có chứa kháng nguyên ho gà vô bào, có độ tinh khiết cao hơn, ít phản ứng hơn.
Lý giải về việc chưa ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem được bào chế theo công nghệ cũ, có tỷ lệ phản ứng cao hơn và tần suất tai biến nặng xảy ra dồn dập trong các tuần gần đây, ông Hiển cho biết: Đây là vắc xin có giá thành thấp (77.000 đồng/liều) và được viện trợ không hoàn lại. “Nếu chúng ta bỏ tiền mua để đủ cho 4-5 triệu liều/năm thì rất khó khăn. Còn nếu mua vắc xin thế hệ mới (giá thị trường khoảng 500.000 đồng/liều -PV), gấp khoảng 6 lần so với Quinvaxem thì càng khó khả thi. Vả lại Quinvaxem vẫn được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng”, ông Hiển nói.
“Từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 ghi nhận tần số xuất hiện cao hơn các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem khiến chúng tôi rất lo lắng. Trước mắt, các lô vắc xin liên quan đến phản ứng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã được tạm dừng sử dụng trên địa bàn”, ông Bình cho biết.
Liên Châu
>> Vắc xin Quinvaxem không còn sử dụng tại Hàn Quốc
>> Cháu bé 3 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin
>> 3 trẻ nhập viện sau khi tiêm vắc xin
Bình luận (0)