* Thưa Bộ trưởng, năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH). Tuy nhiên, hiện GDĐH hiện nay vẫn ở trong tình trạng tụt hậu khá xa so với quốc tế. Vậy thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để khắc phục trình trạng này?
- Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong điều kiện cụ thể hiện nay của chúng ta, điều kiện có ý nghĩa tiên quyết là phải chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục. Cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và thực hiện trách nhiệm trước xã hội của các trường. Các trường phải thực hiện quyền tự chủ khuôn khổ của pháp luật. Năm 2013 đánh dấu thời điểm luật Giáo dục đại học bắt đầu có hiệu lực thi hành, do vậy về phía Bộ, chúng tôi sẽ tập trung vào việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo nên hành lang pháp lý đầy đủ để các trường thực hiện và chấp hành.
Giải pháp thứ hai là cụ thể hóa những thay đổi về nhận thức về mô hình tăng trưởng GDĐH (từ chỗ ưu tiên phát triển quy mô và số lượng sang mô hình phát triển dựa vào chất lượng) thành hành động cụ thể. Ví dụ Bộ sẽ ban hành các tiêu chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật đảm bảo chất lượng đào tạo để các trường tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của xã hội, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng để từng bước phân tầng và xếp hạng các cơ sở đào tạo, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước và tự thanh kiểm tra của cơ sở đào tạo...
|
* Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào trước những bất cập của giáo dục phổ thông như việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông thiếu một “tổng chỉ huy”, nền giáo dục vẫn nặng về bệnh thành tích, dạy thêm học thêm vẫn tràn lan… Việc đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ làm gì để khắc phục những bất cập đó?
- Đối với giáo dục phổ thông, hiện nay Bộ GD-ĐT đang xúc tiến việc nghiên cứu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu nền giáo dục phổ thông các nước trên thế giới và chương trình sách giáo khoa của các nước tiên tiến về giáo dục phổ thông, đặc biệt là nền giáo dục của các nước có điều kiện kinh tế - xã hội gần với chúng ta để rút ra bài học kinh nghiệm, cái gì nên học tập, cái gì nên tránh. Đồng thời chúng tôi tìm hiểu các đợt thay đổi chương trình sách giáo khoa trước đây. Cái gì hay và tốt thì tiếp tục duy trì, cái gì chưa tốt hoặc không còn phù hợp thì sẽ phải khắc phục, thay đổi.
Về tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, đây là vấn đề vẫn còn tồn tại. Năm 2012, trước việc những tiêu cực được phát hiện, chúng tôi xử lý nghiêm túc, kiên quyết cả cá nhân và tập thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng tinh thần nghị quyết T.Ư 4. Ở vụ Đồi Ngô, chúng tôi đã xử lý cả hiệu trưởng. Bên cạnh đó, trong năm qua, lần đầu tiên chúng tôi đã cho chấm thanh tra gần 17.000 bài thi của 16 tỉnh có kết quả tốt nghiệp THPT tăng đột biến. Sau khi chấm lại, chúng tôi đã gửi kết quả này cho Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh kèm theo công văn, trong đó chỉ rõ việc coi thi chưa tốt, chấm không nghiêm túc, công tác chỉ đạo quản lý chưa sâu sát. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng năm nay, Bộ chỉ gửi các địa phương theo đường công văn mật, năm sau thông tin này sẽ được công bố công khai.
Về việc dạy thêm học thêm, tôi cho rằng những văn bản gần đây của Bộ GD-ĐT đã có nhiều tiến bộ và đã đi vào cuộc sống. Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và lạm thu đầu năm học đã được triển khai tích cực ở nhiều địa phương. Đặc biệt, chính quyền các địa phương đã vào cuộc và đã có kết quả ban đầu, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự chuyển biến trong nhận thức của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh.
* Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng muốn đổi mới giáo dục thì yếu tố đầu tiên là phải quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Vậy sắp tới, Bộ trưởng có những “ưu tiên” gì đối với họ?
- Tôi cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Đối với giáo dục thì lại càng quan trọng. Để quan tâm đến nhà giáo thì cần phải làm nhiều việc, trong đó có cả về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, sự đảm bảo đời sống vật chất và những tôn vinh giá trị tinh thần đối với họ. Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và hiệu trưởng, tiếp tục duy trì những cuộc vận động nhằm kêu gọi các nhà giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ cũng sẽ cùng hai trường đại học sư phạm trọng điểm rà soát chương trình đào tạo để sản phẩm của các trường sư phạm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, hiện nay còn có bất cập, đặc biệt là phụ cấp thu hút đối với nhà giáo lên vùng sâu, vùng xa làm việc. Theo quy định, giáo viên lên công tác tại vùng sâu vùng xa có phụ cấp này trong 5 năm, sau 5 năm nếu các nhà giáo vẫn tiếp tục ở lại thì không còn phụ cấp nữa. Điều phải lưu tâm là số các nhà giáo ở lại vùng khó khăn làm việc sau 5 năm là không nhỏ, hiện tổng thu nhập của họ thấp hơn của các nhà giáo trẻ mới lên làm việc. Quan điểm của Bộ là khi hết thời hạn 5 năm, nếu giáo viên vẫn tiếp tục ở lại thì bên cạnh việc tôn vinh họ, chúng tôi đề nghị vẫn có phụ cấp cho những người tiếp tục ở lại công tác.
Điều được nhiều người quan tâm là chế độ tiền lương cho nhà giáo. Hiện chúng tôi đã có đề xuất kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cũng phải cân đối trong tổng thể chung. Hy vọng tới đây việc cải cách đề án tiền lương sẽ có những điều chỉnh nhất định.
Vũ Thơ
(thực hiện)
Bình luận (0)