Anh là con nhà khá giả, dường như chưa bao giờ phải băn khoăn toan tính chuyện cơm áo gạo tiền. Anh học văn khoa từ Hà Nội gửi mail cho tôi:
“Thương ơi! Dù sao Thương cũng hơn anh là đã chạm những bước chân bùn đất phù sa sông Hồng sông Đáy lên đường phố Paris cổ kính. Anh không hình dung được khi em bước trên các viên đá lát xanh và leo lên đồi Montmartre ngắm cảnh Paris từ trên cao sẽ mang tâm trạng như thế nào. Anh bảo nè: Ước gì lúc này anh đang ở Paris cùng em. Anh đang nắm tay em đi dạo trong vườn Luxembourg, và tìm đến đúng cái ghế gỗ sồi mà ông già khổng lồ của nền văn học Pháp Victor Hugo đã từng ngồi. Lá phong đỏ rực cuối mùa thu xao xác rơi rơi. Ôi ước chi lúc này anh đang cầm một lá phong đỏ rực…”.
Ôi! Thực tế và tưởng tượng bao giờ cũng là một khoảng cách vời xa. Tôi đã không có ý niệm về nước hoa Chanel thượng hạng, còn chàng cũng chẳng quan tâm đến rượu mạnh Hennessy mà là chiếc lá phong đỏ mùa thu. Không có lá phong đỏ nào và cũng chẳng có hình ảnh chiếc ghế gỗ mộc ở vườn Luxembourg trong lòng tôi. Chỉ bởi tôi chưa hề đến đó. Đã ba năm học ở nước cộng hòa Pháp, tôi chỉ biết thành phố Toulouse và duy nhất một lần cùng với chị bạn nhảy ô tô đến thành phố Nice xinh đẹp tắm biển. “Vương quốc” liên hoan điện ảnh Cannes nổi tiếng, thành phố cảng biển Marseille, Công quốc Monaco và Paris hoa lệ cũng hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
Nói ra, chẳng ai tin! Tin làm sao nổi khi một đứa con gái du học, dù bận bịu đọc sách làm bài đến cận lòi, đeo kính mắt lồi như đít chai thì vẫn có thời gian nghỉ hè thư giãn, đi tắm biển, hoặc về nông thôn hái nho, đi điền dã chứ.
Cha tôi người Ninh Bình, bộ đội phục viên. Không chuyên môn ngành nghề, cha đành chấp nhận làm thân phận hộ lý một bệnh viện ở Hà Nội nơi mẹ làm y tá. Hộ lý và y tá thì cũng là một nghề nhưng đứng ở bậc thang cuối cùng ngành y. Đàn bà làm hộ lý còn coi được, chứ đàn ông cùng đường mới phải theo cái nghề này. Làm y tá, mẹ tôi suốt ngày chọc kim tiêm, đo huyết áp, cặp nhiệt độ, phát thuốc cho bệnh nhân. Làm hộ lý, cha tôi âm thầm bền bỉ hết ngày này qua tháng khác quét hành lang, lau nhà, đổ bô, thau rửa phòng vệ sinh. Cũng may, hai bậc sinh thành của tôi không làm chung một khoa, có nghĩa là mẹ tôi không phải hằng ngày chứng kiến tình cảnh chồng mình thay áo, lau rửa thân thể cho bệnh nhân nặng nữ hay nam. Sống ở môi trường trí thức, toàn bác sĩ, tiến sĩ, nhiều vị là giáo sư khả kính, cha mẹ tôi luôn mặc cảm thân phận nghèo nàn, ít học.
Bệnh viện cha tôi có phòng VIP điều trị theo nhu cầu. Bệnh nhân mới là một người đàn bà nạ dòng túi mắt chảy xệ, ngực núng nính mỡ, bụng to mông nở, móng tay móng chân tô son đỏ choét, thoáng qua đã biết ngay là kẻ lắm tiền. Cô hộ lý trẻ tóc đuôi gà phục vụ nàng ta được một ngày thì bị tống cổ ra khỏi phòng. Yêu cầu thay hộ lý nam được đáp ứng ngay và cha tôi làm kẻ thế mạng. Thêm một ngày nữa, cha tôi thật thà về mẹ rằng: Nàng ta chẳng mệt đến mức không tự thay áo bệnh nhân định kỳ mà cứ gọi cha vào thay giúp. Cha tôi dọn phòng, thì nàng ta vào phòng vệ sinh, cởi truồng nồng nỗng, xối nước ào ào, rồi thò cả nửa người trên trần vai vú ra, chỉ tay về phía cái quần slip và coóc xê đang ở trên giường, bảo cha tôi đưa giúp. Mẹ tôi làm mặt giận, bảo: Anh phải làm gì thì nàng ta mới nằm ườn ra rồi yêu sách bắt hộ lý nam phục vụ chớ. Cha tôi càng thanh minh, mẹ tôi càng truy hỏi. Rồi giận dỗi nhau cả tuần. Cha tôi ngao ngán thở dài biểu tôi: Trót đời cha mẹ làm hộ lý, y tá. Con phải là cử nhân, bác sĩ thì nhà này mới mở mày mở mặt với thiên hạ.
Tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi, tôi thi đại học y khoa để làm mát lòng cha mẹ, nhưng thiếu 1 điểm, bị trượt. Cha tôi cay đắng buồn bã nhìn đứa con gái ủ ê vì bị gạt khỏi cánh cổng trường đại học. Một người bạn của cha có người con gái đang du học ở Toulouse khuyên cha tôi nên cho con gái đi du học Pháp vì chi phí học tập rất rẻ so với Anh, Hoa Kỳ. Vả lại, giàu nghèo gì không biết, chứ có đứa con đi du học ở châu u thì cha mẹ, dòng họ cũng mát mặt với thiên hạ.
Ở phương Đông, phận con cái, nhiều khi phải kìm hãm, đè bẹp cái ham muốn, ý thích cá nhân để chiều lòng đấng sinh thành. Tôi chọn Đại học Y khoa Toulouse. Niềm vui của cha tôi đang bừng lên hân hoan thì tắt ngấm bởi phải có tối thiểu 6.000 euro ban đầu trong tài khoản. Mặt tôi xịu xuống. Cha nghĩ một lát rồi bảo mẹ:
- Mình ạ! Rao bán gấp căn cấp bốn 30 m2 này, cho con đi học nước ngoài.
Mẹ tôi giật mình đánh thót:
“Còn ba mống ở lại, rủ nhau ra gầm cầu Long Biên ở chắc? Mà gầm cầu cũng không còn đất đâu, mình ạ. Thôi, con gái mình ở nhà ôn thi năm nữa”.
Cha tôi trầm ngâm trước phản ứng của mẹ, lát sau ông bảo:
“Tôi tính kỹ rồi. Bán cái nhà này, một nửa cho con du học, một nửa mua căn hộ lắp ghép cũ 30 m2 chúng mình ở tạm. Con gái giẫm phải vết chân cha mẹ bưng bô đổ vịt, tôi nhục lắm”.
Hai giọt nước mắt từ từ lăn ra khỏi khóe mắt mẹ tôi. Cuối cùng mẹ ưng thuận. Niềm vui nhảy nhót trong lòng, nhưng tôi cũng biết từ nay sẽ là chuỗi ngày cực nhọc của cả nhà.
Chuyến bay Vietnam Airlines kéo dài 11 giờ mới đến Paris. Xuống sân bay Charles de Gaulle đã có chị Tuyết, con gái người bạn của cha tôi bay từ Toulouse lên đón. Tôi làm thủ tục transit xong và cùng chị lên chiếc phi cơ Airbus A330 bay luôn đi Toulouse. Vậy là chỉ chạm chân đến Paris hoa lệ, chỉ nhìn thấy cứ hai phút lại một máy bay cất cánh ở cái sân bay to lớn nhất nhì châu u này. Paris ánh sáng huy hoàng trước mắt tôi rồi vội vã lui lại sau lưng tôi.
Ở nước Pháp, Toulouse là thành phố sinh viên, cứ bảy người sống ở Toulouse thì có một là sinh viên, và cứ một trăm “học trò dài lưng tốn vải” thì có sáu kẻ quyết chí thay đổi thân phận là người ngoại quốc theo học. Nói chung, mọi việc quá thuận tiện đối với một con bé ngu ngơ giữa trời u xa lắc; bởi có chị Tuyết như một thổ dân Toulouse đã hai năm ăn học và đi dạo mòn gót dọc bờ sông Garonne. Chỉ có điều, nhìn chị Tuyết tôi hơi ngài ngại. Làn da nhợt nhạt, vành mắt thâm quầng như người mất ngủ triền miên, nhưng đôi khi lại lóe lên ánh nhìn luôn chứa đựng một điều gì rất bí ẩn và một khả năng bùng nổ. Tôi mua tờ báo kinh tế Pháp Les Echos dò mục quảng cáo để tìm thuê chỗ ở, nhưng chị Tuyết bảo: Hai chị em ở chung phòng chị đã thuê trước, kê thêm cái giường, mỗi đứa chịu một nửa tiền, và tự nấu ăn, đỡ một khoản tiền bố tôi đẫm mồ hôi còng lưng tranh thủ ngày nghỉ đi xe thồ xe ôm. Bước chân dạo trong vườn Luxembourg tìm cảm giác đạp trên lá phong vàng tươi hãy gác lại đã.
Chỗ nương thân nơi đất khách quê người tạm ổn. Tuần đầu tiên đi học, tôi buồn ngủ rũ ra vì chưa quen múi giờ. Nhớ nhà kinh khủng, ủ ê đến phát khóc. Buổi chiều tối đi dạo trên bờ sông Garonne tôi lại chợt nhớ đến con sông Hoàng Long quê hương. Tôi nhớ đến cái dáng mẹ tất tả đạp xe vội vàng từ bệnh viện về nhà nhóm bếp và chờ cha con tôi về ăn bữa cơm tối sum vầy ấm áp. Lúc ấy, chỉ muốn bay về ngay với mẹ, tôi sẽ sà vào lòng mẹ nũng nịu, hít ngửi thứ mồ hôi nồng nồng mùi bùn đất phù sa. “Con gái dứt khoát phải thành bác sĩ, chứ ít học, nghèo nàn, thân phận thấp hèn bưng bô đổ vịt như cha, nhục lắm”. Lời cha dặn dò ân tình nhưng có gì đó xót xa cứ như lằn ranh giới vô hình ngăn cách cuộc hồi hương và níu giữ tôi ở lại xứ người. Lòng tôi lại cồn lên ý chí phải học thành tài nơi xứ lạ.
Tôi mua vé 10 euro cho một tháng đi học bằng tàu điện ngầm. Mọi tính toán tằn tiện đến mức hợp lý nhất. Là học sinh phổ thông chuyên Pháp, đã tưởng chuẩn bị rất tốt về ngoại ngữ, tưởng rằng du học có thể hòa nhập ngay được với sinh viên Pháp, nhưng thật khó vì hai nền văn hóa khác nhau. Mấy ngày đầu nghe thầy giáo giảng như vịt nghe sấm, tôi ú ớ không tiếp thu được, phải hơn một tháng mới làm quen được với cách nói của người Toulouse. Sinh viên Việt Nam sang Pháp du học dù ở Marseille, Nantes, Lyon, Bordeaux hay Paris hầu như đều phải đi làm thêm kiếm tiền. Nhà trường cho phép chỉ được làm thêm 19 giờ rưỡi một tuần để bảo đảm sức khỏe học tập. Có đứa đi làm thêm mệt quá, đến lớp cứ gục xuống bàn ngủ.
Chị Tuyết đi trông đứa trẻ lên ba tuổi, mỗi tháng kiếm một ngàn euro. Tôi kiếm được một chân chạy bàn ăn cách nhà trọ khoảng hai cây số được bảy trăm euro. Thế đã là quá mừng! Những tháng đầu tạm ổn. Tôi bắt đầu học thêm tiếng Pháp ngoài giờ học và lần đầu làm quen với món ăn tối cassoulet - đặc sản ở Toulouse. Thực ra, nó là món đậu và thịt hầm, được nấu chín chậm trong nồi có đáy rất dày. Con người quen được với cái mới cũng không dễ. Món ăn thuần Việt như rau muống luộc chấm tương, cá rô đồng kho gừng, canh cua mùng tơi ăn với cà pháo… vẫn là nỗi nhớ đeo đẳng, hành hạ tôi.
Không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Đêm thứ bảy, chị Tuyết thường về muộn, gõ cửa. Tôi mắt nhắm mắt mở tìm đôi dép và co ro nắm tay khóa. Chị ập vào, ôm chầm lấy tôi và cứ thế hôn chùn chụt lên mặt lên cổ lên ngực. Tim tôi dềnh lên từng đợt sóng. Chị buông tôi ra, hai tay dang rộng, mắt nhìn trần nhà, mơ màng:
“Thương! Mày đã ngủ với đàn ông nước ngoài bao giờ chưa?”.
“Chị kỳ vậy?”.
Mặt rạng rỡ, mắt chị ngời ngời:
“Ngủ với đàn ông nước ngoài sướng lắm. Đàn ông nước ngoài hôn mình cũng sướng lắm. Cứ như chị vừa hôn mày ấy”.
“Khiếp! Em chả chơi. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Chị Tuyết phá lên cười, cái cười của một kẻ lọc lõi, thạo đời:
“Ca dao người Việt hả? Nhưng lại có thành ngữ “Nhập gia tùy tục”. Tao sẽ nhuộm cho mày từ màu trắng tinh thanh sạch thành màu cháo lòng. Ba bảy hai mươi mốt ngày, chả rước một anh không da trắng thì cũng da màu về đây hú hí thì đừng có ngượng với tao nhé”.
Tôi lặng im với vô vàn dấu hỏi đầy bất ổn, hoang mang.
Lại một đêm thứ bảy nữa. Đêm trắng. Ngoài trời đầy tuyết rơi.
Khuya khoắt. Chị Tuyết về, hơi lạnh ào vào. Những cánh tuyết trắng điểm trên mái tóc. Thằng Richard Clayderman da đen gốc Phi học cùng lớp chị cũng vào theo. Nồng nặc mùi rượu. Mùi mồ hôi hắc và khen khét mùi tóc hơ lửa.
“Mày thông cảm. Bọn chị không còn sự lựa chọn nào nữa”.
“Cám ơn”.
Thằng Clayderman phát âm hai từ lơ lớ.
Tôi lặng im trong chấp nhận tình thế một cách gượng gạo.
Thằng Clayderman theo chị chui vào chăn. Tôi tốc chăn lên đầu trùm kín mít. Một lát, tiếng ngáy đàn ông nổi lên như bò say nắng thở và tiếng con gái ú ớ trong mơ.
Tôi không thể nào ngủ được. Tôi lại nhớ đến Hùng của tôi. Tinh khôi và lãng mạn, anh chưa bị nhuốm bụi trần. Đi học, vào thư viện, anh tưởng tượng đến lá phong và cái ghế gỗ sồi mộc trong vườn Luxembourg. Tôi cần phải thực tế hơn với cuộc sống. Chấp nhận sống như chị Tuyết chẳng hạn để tồn tại kiếm cái bằng để thoát khỏi thân phận lam lũ như cha mẹ. Tôi đã từng lên mạng chat với anh: “Em sẽ cõng về nước cho anh không phải một lá phong mà sẽ là một va li lá phong đỏ óng. Anh sẽ làm gì với số lá phong đỏ ấy?”. Anh chat lại: “Anh sẽ làm nệm cho anh và em nằm đêm tân hôn. Anh sẽ rắc điểm những lá phong đỏ ối trên thân thể em nuột nà, trinh trắng”. Tôi nháy chuột đẩy lên messages một biểu tượng mặt người rơi liên tục những giọt nước mắt: “Ôi! Anh làm em khóc mất. Giá mà anh sang Toulouse cùng em nhỉ?”. Anh đáp: “Ừ. Cứ sang Pháp là được. Ví như, anh được học bổng ở Đại học Sorbonne chẳng hạn, em nhỉ”. Tôi viết: “Và anh sẽ nắm tay em đi dạo trong vườn Luxembourg chứ?”. Anh nháy lên khung messages một biểu tượng mặt người cười nhăn nhở: “Ừ. Nhớ dai quá nhỉ”… Ôi! Ước mơ mới trong trẻo làm sao, và những ý nghĩ nhớ nhung ấy sẽ kéo dài bất tận nếu như không có các tiếng động ở giường bên. Tiếng hôn chóp chép. Tiếng rên rỉ, rú rít. Trong ánh đèn ngủ màu hồng, tôi vô tình nhìn thấy hai khối hình khỏa thân, một trắng ngà ngà một đen nhánh quấn lấy nhau… Bất chợt, trong lòng tôi dần dần nóng và trái tim đập nhanh hơn. Người rạo rực không chịu nổi. Tôi khẽ ngồi dậy, lén đi ra ngoài. Đêm trắng tuyết. Vô vàn bụi tuyết trắng bay chạm vào mặt. Muốn khóc quá mà tôi không khóc được.
Tôi không cắt nghĩa được vì sao Giáo sư Pierre Lasnais dạy môn Giải phẫu bệnh lý lại đặc biệt quý mến tôi. Tình cảm của ông dành cho tôi vừa như một người cha với con gái, vừa như là một người tình. Pierre bảo tôi phải hòa nhập thật nhanh với nước Pháp thì việc học hành càng tiến bộ. Ông đưa tôi đi nhà thờ St.Sernin có mái vòm cong kiến trúc kiểu gô tích và vẻ thanh thoát hài hòa rồi chúng tôi cùng nhau đi dạo trên bờ sông Garone. Buổi tối Pierre mua hai vé ca nhạc hết mười euro vào rạp xem nhóm nhạc Capitole biểu diễn. Tôi yêu nước Pháp thêm từng giờ từng ngày. Sống xa xứ ở một chân trời xa lắc có một người khác giới quý mến thương yêu thì bất cứ người con gái nào cũng ấm lòng, dễ chịu. Bên người đàn ông đáng tuổi cha mình, tôi vừa mang cảm giác gần gũi, ấm áp vừa thấp thỏm e ngại, giữ mình.
Một dạo, không thấy anh chàng da đen Richard Clayderman chui vào giường chị Tuyết mỗi đêm khuya thứ bảy nữa. Tôi giữ ý không hỏi thì chị Tuyết bảo:
“Mày định hỏi sao tao không cặp với thằng Clayderman nữa chứ gì?”.
Tôi bảo:
“Em muốn chuyển đi nơi khác cho chị được tự do”.
“Chia tay anh chia tay hoàng hôn. Em mang theo về tình yêu và nỗi nhớ…” - chị Tuyết nghêu ngao giọng hát, mặt tỉnh bơ, không hề sầu muộn, rồi cười khanh khách - “Bài hát thì day dứt thế, nhưng tao thì… coi như thay xong một cái áo”.
“Nhưng rồi chị lại yêu. Chị lại đưa trai về đây, em cứ ở thế bất tiện lắm”.
“Mày không phải đi đâu nữa, cứ ở đây. Chị em có nhau. Mày có hiểu nỗi cô đơn của người xa xứ thế nào không?”.
Nỗi cô đơn của người xa xứ chẳng xa lạ với tôi. Có những đêm trắng tuyết rơi bời bời, tôi co ro nhớ gia đình, nhớ chàng trai của tôi. Cũng may, cứ khi nào quay quắt nhớ là tôi lại bước trên “cái cầu” internet để đón nhận tình cảm của Hùng và lòng tôi ấm áp. Sau này, tôi cứ luôn tự vấn: Nếu chẳng có tình cảm tinh khôi lãng mạn của Hùng thì tôi có gục ngã ở nơi xa xứ bời bời tuyết trắng không?
Mùa thu Toulouse, trời mát mẻ. Mùa đông đến, lạnh giá, gió ù ù thổi. Tôi đã qua mấy mùa thu đông như thế. Phòng trọ rẻ tiền không có lò sưởi, co ro chui vào chăn. Ngủ một đêm, sáng ra thấy khắp đất trời một màu trắng lạnh toát. Tuyết bám vào những cành cây sagi và những bụi tuyết li ti bay phả vào mặt mát lạnh. Giá rét, con người xa xứ rất muốn tìm hơi ấm bên nhau. Không còn thằng da đen Clayderman, chị Tuyết chui sang ngủ với tôi. Ngủ quen rồi, không ôm tôi ngủ chị không chịu được. Cửa hàng ăn thường đóng cửa muộn, tôi đi làm về lặng lẽ một mình trong khuya vắng. Chị Tuyết đêm nào cũng chờ tôi về mới ngủ.
Một lần, nửa đêm thức giấc vì trời lạnh và cũng bởi thấy nhồn nhột, tê tê rồi cảm giác khoan khoái tràn về. Xúc cảm lờ mờ ùa đến như thể tôi đang làm mẹ cho con bú, và bàn tay đứa trẻ mân mê nhũ hoa. Bàn tay tham lam ấy lướt nhẹ xuống bụng, xuống hai đùi non. Trong mơ hồ tôi nghĩ đến gương mặt và bàn tay có những ngón to thô ráp của Giáo sư Pierre. Nhưng, bàn tay đang chằm bặp đùi tôi lại thon nhỏ, mềm mại. Tôi hoảng sợ và nhận ra thân thể chị Tuyết không một mảnh vải đang oằn oại ôm hôn, chằm bặp tất cả các điểm nhạy cảm trên người tôi. Tôi vùng dậy! Nhảy sang giường bên kia, quấn cái chăn lạnh ngắt vào người. Nước mắt tôi trào ra. Ghế gỗ sồi ở vườn Luxembourg ở đâu? Lá phong vàng khô lãng mạn ở đâu?
Tôi đi khỏi căn phòng trọ chung với chị Tuyết ngay sáng hôm sau. Tôi đi lang thang ở sân trường mà không vào lớp. Giáo sư Pierre đứng lớp hai tiết cuối không thấy tôi, ông quýnh quáng đi tìm. Thở phào. Ông bắt gặp tôi đang ngồi tư lự ở thư viện, trước mặt là quyển vở trắng đã ghi chi chít những từ với dấu hỏi: ở lại? và về nước? mà không chọn lựa nổi.
Giáo sư Pierre đưa tôi đi nhà hàng ăn món gà marengo của Pháp. Đó là món gà Ai Cập nấu với khoai tây bi, nấm mỡ có hương vị thơm của rượu vang đỏ và bơ, ăn kèm sandwich chiên vàng. Chúng tôi cụng ly. Rượu vang Bordeaux đỏ sẫm ướp lạnh sóng sánh. Tôi uống để quên đi nỗi buồn.
Giáo sư Pierre bảo:
“Em có thể vào ký túc xá, hoặc dọn đến nhà tôi. Đó là một lời mời chân thành”.
“Nhà giáo sư? Một đứa con gái Việt sống với một ông giáo sư. Chuyện gì sẽ xảy ra, hả thầy?” - tôi hỏi rồi rót thêm rượu vào hai ly.
“Đúng! Em có thể ở nhà tôi. Và em muốn sống thế nào, tôi cũng sống theo em như thế”.
Tôi lại rót rượu. Giáo sư Pierre giữ tay tôi lại can:
“Em uống hơi nhiều rồi. Chuyện gì xảy ra nếu em say?”.
Lần đầu tiên trong đời tôi uống nhiều như thế. Giọng tôi méo xệch:
“Vâng! Em muốn say. Vâng! Em muốn sống thế nào, thầy phải sống theo em như thế nhé. Thầy thề đi, lời thề danh dự...”.
“Thề. Tôi thề. Lời thề danh dự của một người đàn ông tử tế…”.
Tôi say rượu lúc nào không rõ. Giơ chai rượu lên cao, tôi không rót vào ly mà lại tưới vào ngực. Rượu lạnh ướt đẫm ngực áo. Giáo sư Pierre chạy vòng sang giữ tay tôi lại thì chai rượu vang Bordeaux đỏ sẫm không còn một giọt. Ông xốc nách đỡ tôi, và kêu nhà hàng trả tiền.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mình đang nằm trơ trọi trên giường trong căn hộ của Giáo sư Pierre. Tôi giật mình, nhót dậy. Thùng thình trong bộ quần áo đàn ông ngoại quốc. Ôi cha mẹ ơi! Tôi đã làm gì thế này? Ôi trời! Chuyện gì đã xảy ra với tôi. Lạnh toát người, tôi thò tay lần mò trong bộ quần áo rộng quá cỡ. Quần áo lót không ở trên người. Ôi trời ơi! Giáo sư Pierre đi đâu rồi, ông đã làm gì tôi? Muốn la hét quá mà không hét la được.
Trong khi bấn loạn ấy, tôi vẫn còn nhớ đến chàng trai lãng mạn của tôi. Thôi rồi, Hùng ơi! Em khôn ba năm dại một giờ.
Đột ngột, chuông điện thoại reo. Tôi vồ lấy ống nghe.
“Chào Thương! Tôi biết giờ này em đã thức dậy”.
“Giáo sư! Ông đã làm gì tôi?”.
“Không làm gì cả. Em bị ngấm rượu vang lạnh. Tôi chỉ làm mọi việc để em khỏi bị cảm lạnh. Quần áo của em tôi đã rũ nước và sấy khô. Mặc vào đi kẻo ốm. Tôi hứa rồi mà. Trong căn hộ của tôi, em sống như thế nào tôi sẽ sống theo em như thế. Em vẫn vẹn nguyên, cô bé ạ…”.
Tôi rập ống nghe nửa chừng. Tôi thò tay vào trong quần, dò dẫm, nửa tin nửa ngờ. Muốn khóc quá mà tôi không khóc được.
Đến nước này thì tôi phải xa Toulouse thôi. Tôi lấy máy điện thoại gọi về cho Hùng, tôi nói với anh rằng: em không muốn học nữa, em sẽ xin xuất cảnh và đáp máy bay lên phi trường Charles de Gaulle để bay chuyến sớm nhất về nước. Chuông điện thoại đổ dồn, cuối cùng anh cũng cầm máy. Lạy trời! Giọng nói của anh ấm áp, gần gũi biết bao. Anh không hề hỏi tôi vì sao lại hồi hương đột ngột, mà lại bảo: Em yêu! Anh đã xin được học bổng Đại học Sorbonne rồi. Anh sẽ bay sang với em trong thời gian ngắn nhất. Tôi bảo: Thật không? Anh không đùa đấy chứ? Anh bảo: Không đùa. Lời nói của một người đàn ông lãng mạn và tử tế mà.
Tôi mím chặt môi cho nước mắt trào ra. Tôi muốn khóc quá mà không khóc được.
Lạy Chúa! Mưu sinh nơi xứ người, tôi vẫn học giỏi, được học bổng. Mấy năm không chơi bời, mấy năm chỉ có học và đi làm thêm, tôi có một món tiền nho nhỏ đủ để nghỉ hè bay về nước thăm cha mẹ, nhưng tôi cố nán lại chờ chàng trai của tôi.
Giáo sư Pierre Lasnais lái ô tô đưa tôi ra sân bay quốc tế Toulouse Blagnac để bay lên Paris. Đôi mắt ông chợt buồn, se sẽ hỏi tôi:
“Em có việc gì ở Paris?”.
“Không! Chẳng có việc gì cả. Em chỉ muốn đến vườn Luxembourg…”..
Tôi muốn khóc quá mà không khóc được.
Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh
Bình luận (0)