Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để giá điện, xăng dầu gây bức xúc

12/01/2013 03:15 GMT+7

Nhắc nhở Bộ Công thương và các doanh nghiệp phải minh bạch giá điện, xăng dầu, không gây bức xúc cho dư luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại khi công nghiệp then chốt vẫn còn quá mù mờ, thiếu một hình hài rõ nét.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để giá điện, xăng dầu gây bức xúc
Thủ tướng yêu cầu phải minh bạch, công khai giá điện, xăng dầu không để gây bức xúc cho dư luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Phải minh bạch, công khai giá

 

Một đất nước công nghiệp hóa mà hình hài cơ khí chế tạo ra sao? Ô tô chẳng ra ô tô, tàu thủy chẳng ra tàu thủy. Có phải chúng ta có ngành CN ô tô, có ngành CN đóng tàu, chế tạo thiết bị không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng qua 11.1, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, doanh thu năm 2012 của tập đoàn tăng mạnh so với năm 2011, tuy nhiên “Petrolimex có lãi nhưng không đáng kể”. Trong lợi nhuận hợp nhất thì 1.058 tỉ đồng lãi từ các hoạt động kinh doanh khác, riêng xăng dầu chỉ lãi 20 tỉ đồng.

Ông Bảo cho rằng, việc sử dụng các công cụ bình ổn quá mạnh trong năm qua khiến giá xăng dầu không vận hành theo thị trường, và dư luận đặt vấn đề tại sao giá xăng dầu lại lên nhiều, giảm chậm. Còn theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng vận hành thị trường điện cạnh tranh (từ 1.7.2012), các chi phí của EVN phải trả tăng thêm 300 tỉ đồng. Thời gian tới khi vận hành thị trường bán buôn, bán lẻ cạnh tranh giá chắc chắn còn tăng cao hơn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp (DN) phải quan tâm giải trình, cung cấp thông tin cho xã hội, người dân. “Giá điện, giá xăng dầu phải làm minh bạch, công khai hơn nữa. Anh Bảo nói kinh doanh xăng dầu lãi nhưng do lãi các cái khác, có phải vậy không? Có ý kiến cho rằng, điện tăng giá thì lãi nhiều. Người dân, chuyên gia có quyền nói, chúng ta có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch kể cả giá cả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, ngành điện phải tính toán quy hoạch đủ điện cho đất nước, sản xuất tiêu dùng. Chất lượng điện cũng phải đảm bảo ổn định, không phập phù. Ngoài ra, để tiết kiệm điện, EVN phải giảm hao hụt điện năng (tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2012 là 9%), so với Thái Lan vẫn còn cao. Đồng thời, phải tiết kiệm điện trên 1 đơn vị sản phẩm. Thủ tướng cũng yêu cầu rút ngắn thị trường điện bán buôn, bán lẻ cạnh tranh, mục tiêu năm 2015 có thị trường bán buôn, năm 2020 có  thị trường bán lẻ cạnh tranh, nhưng có thể làm sớm hơn, đồng thời phải hết sức minh bạch.

“Bộ Công thương phải kiểm soát vấn đề xăng dầu. Đồng ý sửa đổi Nghị định 84, kiên trì giá xăng dầu theo giá thị trường, nhưng phải minh bạch giá thành, chi phí. Chúng ta đã có nhiều DN kinh doanh xăng dầu rồi, nhưng thị phần Petrolimex vẫn chiếm chủ yếu, chi phối, do đó đòi hỏi càng phải công khai minh bạch. Khuyến khích cạnh tranh để có giá thực sự thị trường. Làm sao đừng để những vấn đề không đáng lại gây nên bức xúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Công nghiệp đang “thiếu hình hài”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá, phát triển công nghiệp (CN) còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, nhiều ngành CN phát triển chậm, chất lượng chiến lược, quy hoạch còn thấp. “Công nghệ cao, CN phụ trợ, cơ khí chế tạo được bao nhiêu rồi? Một đất nước CN hóa mà hình hài cơ khí chế tạo ra sao? Ô tô chẳng ra ô tô, tàu thủy chẳng ra tàu thủy. Có phải chúng ta có ngành CN ô tô, có ngành CN đóng tàu, chế tạo thiết bị không? Cái gì mới là thế mạnh của chúng ta?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Theo Thủ tướng, trong mục tiêu tái cơ cấu của nền kinh tế, Bộ Công thương phải thực hiện thành công hai mục tiêu lớn. Theo đó, phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển ngành CN. “Tới năm 2020 kinh tế Việt Nam cơ bản thành nước CN hiện đại thì hình hài nền CN gì, luyện kim, cơ khí, công nghệ cao… Tôi rất lo ngại khi quy hoạch các ngành CN then chốt còn mù mờ quá, chưa rõ nét. Bộ phải gắn liền quy hoạch với chiến lược, những ngành phát triển mũi nhọn thì chính sách ưu đãi ra sao. Ưu đãi mãi mà ngành ô tô vẫn lắp ráp, cam kết tăng thêm 5% nội địa nhưng DN không làm được cũng chả ai làm gì. Đến năm 2020 phải nhìn được ngành nào là xương sống, ngành nào có sức cạnh tranh, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng quy hoạch và chiến lược”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, Bộ Công thương phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc Bộ như PVN, EVN, Thép, Xăng dầu… để DNNN thực sự là nòng cốt.

Tích cực giải quyết hàng tồn kho

Theo Bộ Công thương, tỷ lệ hàng tồn kho trong DN đã có những chuyển biến khá tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thời điểm 1.3.2012 chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo là 34,9%; tới ngày 1.6.2012 chỉ số tồn kho còn 26% và đến 1.12.2012 giảm xuống còn 20,1% (chỉ số này cùng thời điểm năm 2011 là 23%).

Tuy nhiên, so với cùng kỳ một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn chỉ số tồn kho bình quân chung, như sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất mô tô, xe máy tồn kho tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất xi măng tồn kho tăng 30,6%...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trước mắt ngành công thương phải tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, nợ đọng, tín dụng cho DN. Theo Thủ tướng, với hàng tồn kho, phải mở rộng thị trường trong nước, như đẩy mạnh tiêu thụ xi măng, sắt thép gắn với kích cầu đầu tư, hỗ trợ cho các hiệp hội chế biến. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp có mô hình tốt như Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cũng như làm tốt quản lý thị trường, bảo hộ thị trường trong nước hợp pháp với thông lệ và phù hợp cam kết gia nhập.

Mai Hà

>> Không để giá xăng cho doanh nghiệp tự quyết
>> Đề nghị Quốc hội giám sát làm rõ giá xăng dầu lỗ thật hay lỗ giả
>> Không giảm giá xăng dầu
>> Khốn đốn vì giá xăng tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.