Trước đó, Nhật Bản, EU, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka cũng kiện Indonesia tại WTO về bảo hộ mậu dịch đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa Washington và Jakarta lại còn tác động về cả những phương diện khác khi Indonesia đang là đối tác mà Mỹ ưu tiên thúc đẩy quan hệ về chính trị an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chẳng thể nói vướng mắc mới này không ảnh hưởng gì tới quan hệ hai bên, nhưng có chăng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Cả hai đều theo đuổi lợi ích riêng trong vụ này, nhưng lại có lợi ích chiến lược chung đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác chính trị và an ninh. Cả hai sẽ hành xử theo phương châm "chuyện nào ra chuyện ấy". Mỹ chẳng thể không kiện Indonesia ra WTO khi các nước khác đã làm tương tự và để đảm bảo tính nhất quán của Washington. Ngược lại, hạn chế nhập khẩu nông phẩm giúp Indonesia tăng cường tự cung tự cấp. Nông nghiệp tạo ra 15% GDP và sử dụng 42 triệu lao động trong tổng số hơn 240 triệu dân của Indonesia. Vì thế, nếu xem Washington là ngoại lệ trên lĩnh vực này thì cũng rất bất lợi cho Jakarta.
Mỹ kiện tụng và Indonesia chấp nhận đối phó ở WTO vì cả hai đều không để vụ việc cản trở những lĩnh vực hợp tác khác. Hai bên cũng biết rằng đây là lần đầu tiên, nhưng chẳng phải lần cuối cùng và vì kết quả sẽ lại đâu vào đó khi lợi ở chỗ này bù cho thiệt hại ở chỗ kia.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)