Tranh cãi về quy định lực lượng vũ trang là chủ lực phòng chống thiên tai

15/01/2013 10:00 GMT+7

(TNO) Nên quy định lực lượng vũ trang là chủ lực trong phòng chống thiên tai hay chỉ đóng vai trò tham gia quan trọng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận về dự luật Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai sáng nay, 15.1.

>> Năm 2012, 7.467 người chết vì thiên tai, sự cố
>> Cần làm rõ trách nhiệm khi chậm ứng phó thiên tai
>> Sẽ di dời 81.750 hộ dân vùng thiên tai
>> 6 tháng, trên 5.000 người chết vì tai nạn, sự cố và thiên tai

Dự luật quy định lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) đóng vai trò chủ lực trong phòng, chống thiên tai (PCTT). Theo đó, lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai, đặc biệt là công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn xảy ra thiên tai và hỗ trợ việc sơ tán người, phương tiện, tài sản; tham gia tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Còn dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện công tác ứng phó thiên tai, đặc biệt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn; tham gia khắc phục hậu quả theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tình nguyện viên của các tổ chức xã hội đóng vai trò hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Qua thảo luận, trong Ủy ban TVQH còn nhiều ý kiến khác biệt nhau về vấn đề này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nếu gọi LLVT là chủ lực có vẻ không đúng với chức năng nhiệm vụ của lực lượng này, còn nếu chỉ quy định tham gia thì quá nhẹ. “Nên chăng quy định LLVT đóng vai trò quan trọng trong PCTT”, bà Mai gợi ý.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị không nên quy định LLVT là vai trò chủ lực, mà nên quy định là tham gia trong phòng tránh thiên tai.

Ngoài ra, theo ông Ksor Phước, nên quy định rõ trách nhiệm tham gia PCTT của doanh nghiệp đóng trên địa bàn xảy ra sự cố thiên tai đó, vì doanh nghiệp vốn có sẵn nguồn nhân lực có tổ chức, có vật lực, có nguồn tài chính.

Phát biểu tại đây, Phó tổng tham mưu trưởng (Bộ Quốc phòng) Trần Quang Khuê đại diện cho phía ban soạn thảo bày tỏ quan điểm: Nên xác định lực lượng vũ trang là nòng cốt trong PCTT, vừa bảo đảm sử dụng lực lượng tại chỗ vừa sử dụng LLVT là nòng cốt, vì như cháy đô thị không thể ai khác ngoài lực lượng công an giải quyết, chìm tàu trên biển cũng là LLVT, cháy rừng cũng vậy.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Nương, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đều tán thành quan điểm này. Nói như bà Nương, thực tế những khi xảy ra sự cố thiên tai nghiêm trọng cần phải cứu hộ, cứu nạn, trong đêm gọi đến dân và nhiều lực lượng khác thấy “im re”, chỉ có LLVT ứng cứu.

“Chốt” lại nội dung này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành việc quy định LLVT là nòng cốt, quan trọng trong PCTT và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, để các lực lượng tại chỗ không ỷ vào quy định LLVT là nòng cốt mà thoái thác trách nhiệm hay chỉ trông chờ vào sự ứng cứu thì cũng phải quy định rõ trách nhiệm trước tiên của các lực lượng tại chỗ trong PCTT.

Về quỹ PCTT, bà Ngân tán thành đề xuất nhiều Ủy viên TVQH về việc dự luật cần bổ sung quy định cho chặt chẽ về nguồn hình thành quỹ, việc quản lý, sử dụng quỹ công khai minh bạch, cũng như việc phân bổ nguồn lực ủng hộ cho hợp lý, hiệu quả.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.