Vũ Tất Thắng: Đưa tiếng Việt ra thế giới

17/01/2013 06:00 GMT+7

Nhận bằng tiến sĩ năm 29 tuổi tại Nhật Bản, Vũ Tất Thắng được mời về làm việc ở những đơn vị nghiên cứu danh tiếng tại quốc gia này. Nhưng chỉ sau 2 năm gắn bó với xứ sở hoa anh đào, Thắng quyết định trở về nước đóng góp trí tuệ gây dựng và phát triển công nghệ dịch tiếng nói ở Việt Nam.

Mở lối đi cho người khiếm thị

TS Vũ Tất Thắng (Viện Công nghệ thông tin - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) bước vào con đường nghiên cứu công nghệ xử lý tiếng nói theo lẽ rất tự nhiên và tình cờ. Năm 2000, Thắng là sinh viên khoa Điện tử viễn thông - ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa giành giải nhì khối chuyên của cuộc thi Olympic sinh viên toàn quốc, đang rất háo hức được phát triển năng lực, và tri thức công nghệ trong lĩnh vực khoa học máy tính. Lúc ấy, nhiều sinh viên nô nức nghiên cứu khoa học theo phong trào “nghiên cứu khoa học sinh viên” của Trường đại học Bách khoa. Nhóm của Vũ Tất Thắng đã tìm ra một chủ đề rất hay, ý tưởng liên quan tới các nghiên cứu xử lý, nhận dạng tiếng nói và dịch ra dạng thức ngôn ngữ khác nhau. Lần đầu tiên trong đời, Thắng đứng trước một tình huống khó xử khi bản thân không hiểu thậm chí không thể đưa ra ý tưởng hợp lý, rõ ràng cho hướng giải quyết bài toán mong muốn. Liên hệ với Phòng Công nghệ nhận dạng tri thức của Viện Công nghệ thông tin - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thắng “ngã ngửa” khi biết vấn đề muốn giải quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực khó, đang còn rất mới lạ ở Việt Nam.

 Tiến sĩ Vũ Tất Thắng
Tiến sĩ Vũ Tất Thắng - Ảnh: Phan Hậu

Khởi đầu bằng đề tài khoa học cấp trường, Thắng như bị dẫn dụ đi theo con đường nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ. Niềm đam mê nghiên cứu và tự trọng nghề nghiệp khiến Thắng không chịu đầu hàng, bỏ cuộc trước rất nhiều vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu. Chinh phục hết khó khăn này đến thử thách khác, Thắng khám phá công nghệ xử lý ngôn ngữ là lĩnh vực ẩn chứa nhiều điều thú vị, thêm nữa môi trường ứng dụng công nghệ này còn rộng lớn và đặc biệt cần thiết cho cuộc sống con người.

 

Thắng và các đồng nghiệp đang góp phần tích cực quảng bá và đưa tiếng Việt vào các sản phẩm công nghệ đa ngôn ngữ lưu hành trên toàn cầu

Trong số công trình Thắng công bố, phần mềm VieTalk là thành công đầu tiên, dấu ấn trưởng thành của nhà khoa học trẻ. Ngoài tiện ích mang lại, sản phẩm đã mở ra lối tiếp cận cuộc sống bền vững cho người khiếm thị tại Việt Nam.

Bên cạnh phần mềm VieTalk để đọc tự động tiếng Việt, dịp thế vận hội Olympic London 2012 vừa qua, công nghệ dịch tiếng nói của Việt Nam do Thắng và đồng nghiệp lần đầu tiên được thế giới biết đến.  Nhiều năm nay, nhóm nhà khoa học trẻ tại Viện Công nghệ thông tin là đại diện Việt Nam tham gia vào Cộng đồng dịch tự động U-STAR - do Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) khởi xướng từ năm 2008, hiện đã có hơn 20 quốc gia thành viên. Trong thế vận hội vừa qua, U-STAR đưa vào thử nghiệm phần mềm dịch tự động giữa 23 ngôn ngữ khác nhau. Phần mềm được cài đặt vào thiết bị di động, giúp du khách, cổ động viên đến từ nhiều quốc gia dễ dàng giao tiếp với người dân bản địa, hỏi đường và tìm kiếm thông tin du lịch. Theo thống kê của U-STAR, tiếng Việt luôn nằm trong nhóm ngôn ngữ có tần suất sử dụng nhiều trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội và cả thời gian sau đó.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

Trong hơn 2 năm làm việc ở Nhật Bản, Vũ Tất Thắng từng có thời gian đầu quân, làm việc tại Viện Nghiên cứu viễn thông tiên tiến quốc tế (ATR) của Tập đoàn NTT-Docomo và sau đó là Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT), những nơi được chính phủ Nhật Bản đầu tư rất nhiều tiền để nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ dịch tiếng nói tự động. Trong đó, Thắng đảm nhận nghiên cứu, xử lý dữ liệu dịch cho cặp ngôn ngữ từ tiếng Việt - Nhật. Càng làm việc, Thắng càng trăn trở bởi tiếng mẹ đẻ vẫn chỉ là ngôn ngữ được quan tâm thứ yếu. Thế nên khi đã “hấp thụ” được nền tảng cơ bản, phương pháp nghiên cứu về công nghệ dịch tiếng nói, Thắng quyết định rời Nhật Bản mang theo khát khao sáng chế ra phần mềm thông minh ứng dụng trong xã hội, phục vụ người Việt Nam.

Trở về nước và tiếp tục làm việc tại Viện Công nghệ thông tin, Thắng tập hợp quanh mình hàng chục bạn trẻ cùng chí hướng, lập nên nhóm iSolar chuyên nghiên cứu và phát triển giải pháp, ứng dụng trong công nghệ xử lý tiếng nói và xử lý văn bản, chọn tiếng Việt làm ngôn ngữ trung tâm. Sau vài năm nghiên cứu, Thắng và các đồng nghiệp giới thiệu và công bố nhiều phần mềm hữu ích, ứng dụng vào đời sống như: phần mềm dịch tiếng nói hai chiều Anh - Việt, Việt - Anh trên hệ điều hành Android; phần mềm nhận dạng tiếng Việt trên môi trường điện thoại di động...

Gần đây nhất, nhóm iSolar tiếp tục giới thiệu phiên bản thử nghiệm phần mềm dịch tiếng nói hai chiều Việt - Anh, Anh - Việt trên hệ điều hành iOS. Thắng cho biết, phần mềm dịch tự động được tích hợp và huấn luyện dựa trên 300.000 cặp câu song ngữ Anh - Việt, Việt - Anh dùng trong lĩnh vực du lịch. Khi được cài đặt vào thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành iOS như điện thoại iPhone, các thiết bị iPad, iPod, điện thoại smartphone chạy hệ điều hành Android... người sử dụng chỉ cần nói vào thiết bị, phần mềm sẽ tự động nhận dạng dưới dạng văn bản, chuyển ngữ sang văn bản tiếng Anh, và kết quả dịch mỗi câu nói từ tiếng Việt sang tiếng Anh ở dạng âm thanh hoặc theo chiều ngược lại chỉ mất thời gian từ 1 - 2 giây. Hiện tại, phần mềm dịch tiếng nói hai chiều Việt - Anh, Anh - Việt này đang được nhóm nghiên cứu cho chạy thử nghiệm và khắc phục các khiếm khuyết. Khi đưa vào sử dụng, phần mềm sẽ giúp cho khách nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ, có thể giao tiếp dễ dàng với người dân Việt Nam bởi phần mềm được thu âm với gần 500 giọng nói khác nhau đại diện cho các miền Bắc, Trung, Nam.

Trên thực tế, Thắng và các thành viên tại iSolar đã gặt hái được những thành công nhất định, ngoài công nhận của U-STAR trong kỳ thế vận hội vừa qua, nhiều đơn vị nghiên cứu tại Nhật Bản, Mỹ liên hệ thường xuyên với nhóm trong vai trò đối tác xử lý và đưa dữ liệu tiếng Việt vào công cụ dịch tự động hay các sản phẩm công nghệ đa ngôn ngữ họ nghiên cứu, ứng dụng. Bằng cách này, Thắng và các đồng nghiệp đang góp phần tích cực quảng bá và đưa tiếng Việt vào các sản phẩm công nghệ đa ngôn ngữ lưu hành trên toàn cầu. 

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Phan Hậu

>> Tiến sĩ Vương Quân Hoàng: Chống “ngộ độc” nguồn lực
>> Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.