Nga bán hơn 15 tỉ USD vũ khí trong năm 2012

22/01/2013 15:25 GMT+7

(TNO) Nga đã bán được con số vũ khí kỷ lục trị giá 15,16 tỉ USD trong năm 2012, sau khi mở rộng danh sách các khách hàng nước ngoài của mình, RIA Novosti dẫn báo cáo của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang (FSMTC) cho biết hôm 21.1.

>> Nga xuất khẩu 6,5 tỉ USD vũ khí nửa đầu năm 2012

"Khối lượng vũ khí xuất khẩu đã đạt giá trị 15,16 tỉ USD, theo tính toán sơ bộ, điều này có nghĩa là chúng tôi đã đạt được 111,8% kế hoạch", Giám đốc FSMTC Alexander Fomin nói.

Theo RIA Novosti, trong năm 2011, Nga đã xuất khẩu được 13,2 tỉ USD vũ khí, giúp nước này duy trì vị trí thứ hai trong thị trường xuất khẩu vũ khí, sau Mỹ.


Một chiếc tiêm kích Sukhoi Su-27 do Nga sản xuất - Ảnh: Reuters

"Trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng chung trong các lĩnh vực xuất khẩu (vũ khí), với giá trị tăng gấp ba lần kể từ năm 2003", ông Fomin nói.

Hiện Ấn Độ là khách hàng số 1 của Nga.

Hiện nay, Nga đang đứng trước nguy cơ bị cắt các hợp đồng vũ khí do có nhiều lo ngại về chất lượng sản phẩm của họ, đồng thời dịch vụ hậu mãi cũng không được cải thiện.

Hồi năm 2007, Algeria đã từ chối nhận một loạt chiến đấu cơ MiG-29 khi khẳng định chúng "kém chất lượng".

Trong khi hồi năm ngoái, Ấn Độ đã phải yêu cầu Nga thay thế một số bộ phận bị lỗi trên tàu ngầm hạt nhân Nerpa mà Ấn Độ thuê của nước này.

Việc tàu ngầm Nerpa bị sự cố cùng với tàu sân bay Vikramaditya bị phía Nga liên tục trì hoãn giao cho Hải quân Ấn Độ đã khiến cho vị trí của Nga trong sự lựa chọn mua sắm vũ khí của New Delhi đang bị lung lay.

Trong vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã nhiều lần bỏ qua Nga để nhập khẩu vũ khí từ Mỹ và châu u. Mới đây nhất là việc Ấn Độ chọn chiếc trực thăng Chinook của Mỹ, bỏ qua chiếc Mi-26T2 Halo của Nga, trong cuộc mời thầu trang bị 15 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng cho không quân nước này hồi tháng 12 vừa qua.


Mi-26T2 Halo - Ảnh: RIA Novosti

Trong năm 2011, Mỹ cũng đã giành chiến thắng cung cấp 22 chiếc trực thăng chiến đấu AH-64D Apache trị giá 1,4 tỉ USD cho Ấn Độ, đánh bại chiếc trực thăng Mil Mi-28 Night Hunter của Nga.

Còn trong cuộc mời thầu cung cấp máy bay chiến đấu đa nhiệm tầm trung cho Không quân Ấn Độ năm 2011 để thay thế cho phi đội MiG-21, chiếc MiG-35 của Nga đã không vào được "vòng chung kết", nơi hai chiếc Eurofighter Typhoon của châu u và Dassault Rafale của Pháp cùng nhau tranh giành bản hợp đồng "béo bở" trị giá hơn 10 tỉ USD và phần thắng cuối cùng thuộc về chiếc Rafale.

Ngoài ra, tại thị trường Ấn Độ trong những năm qua, Mỹ cũng có được hợp đồng trị giá đến 4,1 tỉ USD mua 10 chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III của hãng Boeing; hợp đồng 2,1 tỉ USD mua tám chiếc máy bay tuần tra hải quân P-8I Poseidon và hợp đồng 962 triệu USD mua sáu chiếc máy bay vận tải C-130J.

Tiến Dũng

>> Ấn Độ xây thêm kho vũ khí ở biên giới
>> Chỉ dụ cấm vũ khí hạt nhân chế tài chính phủ Iran
>> Đức ra sức giành giật thị trường vũ khí
>> Mỹ lo ngại vũ khí hóa học Syria
>> Vũ khí laser phòng không của Đức
>> Mỹ sẽ triển khai lính bảo vệ vũ khí hóa học Syria?
>> Pháp tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân
>> Vũ khí không gian của Trung Quốc
>> “Vũ khí” tối mật của Nga
>> Ấn - Nga ký hợp đồng vũ khí lớn
>> Nga cảnh báo Syria về vũ khí hóa học
>> Vũ khí hóa học Syria vẫn được kiểm soát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.