Dịch vụ tết vào mùa - Kỳ 2: Tất bật nghề làm ông Táo đất

22/01/2013 10:25 GMT+7

Những ngày này, lò nung ông Táo đất của cụ Nguyễn Thị Lan (98 tuổi, làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An, Quảng Nam) luôn rực lửa để kịp ra lò mẻ hàng phục vụ ngày Táo quân về chầu trời (23 tháng Chạp).

Kì công nghề đúc Táo quân

 

Đã sống gần tròn thế kỷ, với cụ Lan, nghề nặn ông Táo đất ngoài việc là “cần câu” mưu sinh thì nó còn là một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi độ mùa xuân về.

Tín ngưỡng người Việt bao đời nay vẫn thế, cứ có bếp lửa thì có ông Táo đất đặt trang trọng trên bàn thờ. Những người nặn ông Táo đất tại làng gốm Thanh Hà sống được với nghề cũng vì thế. Giáp ngày “tam vị về chầu”, những người làm nghề lại hối hả nhào nặn đất, đốt lò nung suốt ngày. “Nhà giàu hay nghèo, cứ có bếp thì người ta mua ông Táo về thờ. 23 tháng Chạp hàng năm, nhà nào cũng làm lễ đưa ông Táo về trời”, cụ Nguyễn Thị Lan, chủ lò nung Táo đất móm mém nói.

Thường ngày, cũng giống như những người dân khác trong làng, cụ Lan cùng con cháu làm gốm để bán ra thị trường. Nhưng bắt đầu từ ngày 20.11 âm lịch trở đi, xưởng gốm cụ Lan bắt đầu chuyển sang làm ông Táo đất, cho đến trước rằm tháng Chạp thì tắt lò. Lúc này, hàng ngàn ông Táo đất theo những chuyến xe tỏa đi khắp các huyện trong tỉnh, ra Đà Nẵng vào tận Quảng Ngãi. Chị Trần Thị Hồng, công nhân lò nung cho biết: “Mỗi mẻ nung Táo đất thường được ấn định khoảng được 8.000 “ông”. Mỗi tết, xưởng này xuất ra thị trường khoảng 30.000 ông Táo đất nhưng có năm vẫn không đủ bỏ cho các cửa hàng”. Dỡ mẻ Táo đất đầu tiên ra khỏi lò, chị Hồng tiếp lời: “Làm Táo đất không khó vì đã có khuôn. Đất sét sau khi đã được nhào kỹ sẽ được nhồi vào khuôn in sẵn hình hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Tiếp nữa, người làm dùng đồ nghề gạt phần đất thừa cho phẳng, đem nung là được”. Nhìn bàn tay thoăn thoát nhồi, nén, gạt của chị Hồng mới thấy dể làm được một “ông”, người thợ phải có tay nghề cao, tỉ mẩn trong từng giai đoạn.

Bàn tay khéo léo của người thợ gốm Thanh Hà khi làm Táo đất cũng khác so với những “tay ngang”. Khuôn đúc các “ông” tại xưởng này cũng được làm tỉ mỉ, hình ảnh tượng Táo chi tiết và cũng sắc nét hơn so với nơi khác. Táo đất từ xưởng cụ Lan được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng và mẫu mã đẹp. Cho nên, tết năm nào, khách đặt hàng cũng đông, 6 người làm mà vẫn không kịp. “Khi nặn ông Táo quan trọng nhất là độ dẻo của đất sét và cách nhồi đất vào khuôn. Nếu nhồi không chặt, các “ông” Táo đất sẽ bị méo, lõm thì nhìn sẽ rất kỳ. Sau khi dỡ khỏi khuôn, các Táo sẽ được xếp ngay ngắn lên một viên ngói rồi mang ra sân phơi trước khi đưa vào lò gốm”, cụ Lan chia sẻ.

Tất bật nghề làm ông Táo đất
Ông Táo đất - một nét tết quê, tết xưa được làm tại làng gốm Thanh Hà - Ảnh: HOÀNG SƠN

“Lửa nghề” vẫn đỏ

Đã sống gần tròn thế kỷ, với cụ Lan, nghề nặn ông Táo đất ngoài việc là “cần câu” mưu sinh thì nó còn là một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi mùa xuân. Thế cho nên, cứ cuối tháng 11 âm lịch mỗi năm, cụ lại dặn con cháu chuẩn bị đất sét để nặn. 98 tuổi, tóc đã bạc, tay đã run nhưng ngày cận tết, cụ Lan vẫn nện đất, ép từng khuôn nhuần nhuyễn. Đó là nhờ ngọn lửa đam mê vẫn cháy bỏng, khát khao giữ nghề truyền thống vẫn luôn trong cụ.

Còn với chị Hồng, cuối năm, như một “mặc định”, chị lại cùng đứa con trai bày biện đồ nghề ra làm. Mẹ và con, hai nhân công của lò gốm chăm chỉ bên đống đất sét cao ngất, nhồi đất vào khuôn như quên đi sự mệt mỏi. “Nhiều năm gắn bó với lò gốm, cứ mỗi lần soạn khuôn làm ông Táo lại thấy vui, thấy không khí tết lại về làm cho mình như trẻ thêm…”, chị Hồng bộc bạch.

 Giờ đây, tại làng gốm Thanh Hà, người theo nghề nặn Táo đất ngày càng ít đi phần vì giá của sản phẩm gốm cao hơn nên chẳng ai chú tâm làm ông Táo, vồn đòi hỏi kỹ lưỡng mà giá thành thấp. Phần nữa, nghề đúc ông Táo chỉ làm mỗi năm có một lần, không ai đủ kiên nhẫn để bám nghề. Lần giở những trang ký ức, cụ Lan không khỏi buồn vì cái thời cứ hễ tết đến nhà nhà lại chộn rộn làm ông Táo đất đã qua, giờ thì chỉ mỗi cụ giữ nghề cha ông để lại. Cả làng nay chỉ còn mỗi lò của nhà cụ Lan đỏ lửa, miệt mài “nung chín” từng ông Táo đất để bán cho khách.

Anh Nguyễn Văn Chín, người sẽ “giữ lửa” cho lò gốm của cụ Lan tâm sự: “Mỗi ông Táo đất bán ra với thị trường có giá khoảng 5.000 đồng. Nếu đem mỗi “ông” so với gốm thành phẩm thì chẳng bõ bèn gì, lại càng khập khiễng khi đem so với gốm sản xuất hàng loạt. Nhiều gia đình đã chuyển hẳn sang sản xuất gốm mỹ nghệ phục vụ cho tham quan, du lịch nhưng nếu ai cũng vậy thì ai giữ nghề. Không ít lần tôi tính chuyển hẳn nghề khác nhưng đây là nghề truyền thống bao đời của gia đình nên tôi phải giữ…”.

Ngồi bên mái hiên, cụ Trần Thị Lan lại đem những ông Táo đất ngày xưa ra xem, cạnh đó, mẹ con chị Hồng vẫn miệt mài với đống đất sét. Người Thanh Hà vẫn đang giữ từng chút tết xưa…

HOÀNG SƠN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.