Tết quê vợ

11/02/2013 06:45 GMT+7

(TN Xuân) Trong những buổi năm cùng tháng tận, nhiều khi tôi thèm một chuyến lang thang nơi xa, ăn những món lạ, uống thức gì nóng trong một không khí lành lạnh lạ lẫm vốn rất hiếm hoi ở Sài Gòn…

Buổi tàn năm còn lận đận bên trời
Ly rượu nhỏ, quê người, góc quán…

Nghe câu thơ của Nguyễn Nam Trân, một nhà khoa học lang bạt, mà bâng khuâng như mình đã đánh mất điều gì dọc đường tuổi trẻ, khi tết nào tôi cũng ru rú trong nhà, lo bày bày biện biện, chụp ảnh con cháu đi chợ hoa, nhận lì xì, lặt lá mai, cúng giao thừa. Để rồi khi ngồi một mình lại mơ màng trôi đi trong dòng chảy tất bật của Sài Gòn - Chợ Lớn ngày giáp tết, là đà say trong men bia rượu, tự trách mình với cổ họng khè đắng trong cái nắng đầu năm đã chớm sang hè.

 Tết quê vợ
Minh họa: Phạm Công Tâm

Đến khi nào thì một miền quê xa lạ mới trở thành quê hương, khi lâu nay ta chỉ thích sống một chỗ, bậc thềm nhà không mọc rêu nổi vì dấu giày đi về hằng ngày? Có lẽ, chỉ đến khi ta yêu thương ai đó, vốn sinh ra và lớn lên ở miền quê ấy.

Chỉ có quê vợ mới đủ quyền lực, tất nhiên, lôi tôi ra khỏi thói quen ăn tết cố hữu, nhàm chán nhưng luôn cảm thấy tiếc nuối không chịu thay đổi.

 

Người ta nói: Nếu lấy vợ khác tôn giáo, ta sẽ may mắn tiếp nhận được những tinh hoa trong đời sống tinh thần của tôn giáo đó, qua người vợ của mình. Có lẽ cần nói thêm, lấy vợ khác vùng miền, cũng sẽ nhận được tinh hoa lối sống của vùng đất nơi người vợ mình sinh ra

Cái tết đầu tiên ở quê vợ, mới chín giờ đã chui vào mùng ngủ cùng con trai, trong khi vợ rì rầm nói chuyện với mẹ dưới căn bếp nhỏ. Tiếng chó sủa ma đêm trừ tịch phía nhà thờ nghe buồn sao. Nhà sát quốc lộ, những chiếc xe tải chạy vội về đón giao thừa rồi trả lại không gian phăng phắc của con đường cái quan xuôi nam về bắc, mà ở hai đầu con đường, dân tộc Việt hai miền đang loay hoay cúng kiếng đón giao thừa.

Sáng mùng một, cái lu trước nhà dựng mấy cành mai biển tôi mua hôm qua đã cạn nước phân nửa. Thì ra lu nung nhiệt độ thấp, chỉ để đựng gạo, đất sét chưa hóa sành nên bị thấm nước. Chỉ có vậy mà thấy vui vui, lạ lạ. Từ đó suốt mấy ngày Tết, tôi liên tục đi múc nước châm vào lu. Mấy cái chậu cúc đại đóa to quá, chưng trước cửa. Vợ nói: “Chủ vườn thuê đất nhà mình, bán ế quá anh à. Tội quá, năm nào họ cũng cho một cặp!”. Mấy chậu hoa đó, ở Sài Gòn giá không hề rẻ vì vừa to vừa đẹp, nhưng ở đây rẻ cũng không mấy người mua.

Tết ở Cam Đức (Khánh Hòa) có gió nhiều. Gió từ phía biển thổi băng qua quốc lộ lùa vào nhà trước, nhà sau lồng lộng. Cà phê mua và xay tại chỗ ở cái tiệm Đồng Xương gần ngã tư Phú Nhuận, tôi lễ mễ mang ra cùng với trà Ô Long. Đó là hương vị của tết truyền thống của riêng tôi, không thể không mang theo. Pha xong một phin, nhấp từng ngụm. Đường bắp ăn kiêng đậm đà nhưng dịu vị, hương thơm hai loại moka pha robusta gặp không khí lạnh miền Trung cứ lẩn quất quanh mình, không dễ bay tản mát đi như ở nhà. Người ấm, da lại lạnh se.

Nhớ vài bữa trước, mới từ sân bay về đến nhà, tôi đã nghĩ đến chuyện đi xem và mua mai ăn tết. Ở đây có hai loại, mai rừng và mai biển. Mai rừng hay mai núi, cánh lớn nhưng bông thưa. Loại mai này rất giống mai trong Sài Gòn xưa kia với năm cánh, bây giờ không thấy nữa. Mai biển cũng năm cánh nhưng nhỏ nhắn. Ở chợ mai, tôi quyết định mua mai biển, không phải vì đi chơi vùng biển mà mua. Cành mai tôi chọn to và có thế "bạt phong", một cành đứng và một cành xoãi dài. Mai nở với nhiều bông sát nhau như những đám mây vàng là đà trên cành thì đẹp hơn mai rừng cánh to nhưng mọc thưa thớt. Cái bình rồng Bát Tràng đắp nổi vừa vặn với nó nhưng cành cây lại xoãi dài quá nên đứng không vững. Tôi chọn cách chèn nhiều đá vào đáy bình và cho cành mai nằm ngang tựa một chút vào lưng tủ. Coi vậy cành vẫn đứng tự nhiên, rất ổn.

Vợ kể: Tết năm nay ở Cam Đức nhiều nhà gói bánh chưng, bánh tét, làm me ngâm, xên mứt dừa, mứt bí. Tôi giục vợ mua thêm mấy thứ ăn cho vui, vì nó là những món khoái khẩu hồi còn nhỏ, lâu quá không ăn. Vợ nói năm nay không phải vì tiết kiệm mà dân ngoài này tự làm món ăn ngày tết đâu. Ở dải đất sát quốc lộ này, người ta cũng sợ thực phẩm lạm dụng hóa chất khi chế biến. Được ăn miếng me ngâm nước đường muối ngọt chua và mẫm thịt mà sướng như ăn đặc sản.

Buổi chiều, nhờ bà ngoại dắt đứa con nhỏ đi chơi, hai vợ chồng phóng xe ra quán Biển Rừng xây bên một cái đầm nước mặn thông ra biển có cái tên lãng mạn là đầm Thủy Triều. Quán nằm dưới chân cầu, từ xa đã thấy những mái nhà tôn đơn sơ. Bên trong, nó là thiên đường của những ai mê đồ ăn biển. Ngồi nhấm nháp chút bia hóng gió biển, đợi cô phục vụ bàn nướng con sá sùng trên lò than đỏ rực. Miếng thịt sá sùng, một loài giun biển, dai sậm sựt nhưng ngọt thịt, thơm hương biển. Đây chính là loại nguyên liệu đắc địa để nấu nước lèo món phở vì vị rất ngọt thơm. Ốc tu hài thơm ngon. Tôm biển hấp lên đỏ tươi, mập ú và chắc thịt. Ốc nhảy ngoài này sóng trên vỏ ốc nổi rõ, dân ở đây gọi là ốc nhảy... đực. Cồi mai ú nần, dai và giòn. Cua chắc. Tất cả tươi rói. Nhìn con tôm xúc ra khỏi nước giãy đành đạch rất khỏe là biết tươi cỡ nào. Nước chấm ớt xanh trộn wasabi sao mà ngon vậy khi ăn với con tôm hấp đỏ au thơm mùi biển quyến rũ!

Người ta nói: Nếu lấy vợ khác tôn giáo, ta sẽ may mắn tiếp nhận được những tinh hoa trong đời sống tinh thần của tôn giáo đó, qua người vợ của mình. Có lẽ cần nói thêm, lấy vợ khác vùng miền, cũng sẽ nhận được tinh hoa lối sống của vùng đất nơi người vợ mình sinh ra. Tôi ngẫm hoài ý nghĩ đó khi uống từng ngụm bia trong buổi chiều tà đầu năm nơi quê vợ, hình dung con đường nhỏ nàng đã đi khi còn là cô bé học trò gầy nhẳng. Con đường cát trắng của một xứ biển hiền hòa, mà trong một đêm trăng trên vùng đất này, tôi thấy mình hạnh phúc khi cùng nàng dắt đứa con nhỏ thong thả đi về căn nhà nhỏ nằm giữa khu vườn đầy những cây xoài cổ thụ.

Đến một lúc nào đó, tình quê lạ bỗng thấm dần, từ những cái tết khác hẳn bao tết qua, nhưng cơ hồ giúp ta sống thêm một cuộc đời nữa. Dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn, nhưng khi đó là mùa xuân, là lúc cảm thấy đời tươi đẹp nhất.

Đặng Yên Hòa

>> Ông Kều' Nagase ăn Tết Việt
>> Triển khai tour du lịch Tây ăn Tết ta
>> “Vạn điều ước tết” đến với trẻ vùng cao
>> “Cày” để có Tết
>> Lá tết cho Sài Gòn
>> Bánh tét kỷ lục dài 38m
>> Làng mứt gừng vào mùa tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.